Ghi nhận những cải tiến, đổi mới
Theo Chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và Nghị quyết về Chương trình năm 2021; đồng thời, cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.
Tính đến hết tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tất cả 10 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đối với 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 5 dự án luật, một dự án được Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình; Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị đưa một dự án ra khỏi Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ quan về công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo; đồng thời, tiếp tục tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có nhiều tiến bộ, tình trạng nợ đọng văn bản giảm dần.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: Tính dự báo của Chương trình không cao. Việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng. Việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp; đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ. Việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; vẫn còn trường hợp giao một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra phụ trách nhiều dự án. Việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình xây dựng pháp luật chưa phát huy hết trách nhiệm, nhất là trong công tác chuẩn bị dự án. Bên cạnh đó, trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan…
Theo nội dung Tờ trình, đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình đối với hai dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021); bổ sung vào Chương trình một dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết; bổ sung 4 dự án trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp.
Lùi, rút nhiều dự án luật quan trọng
Cơ bản nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả đạt được trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) ghi nhận có những cải tiến, đổi mới trong công tác này từ khâu chuẩn bị đề xuất dự án và chương trình cho đến xem xét thông qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những quả đạt được, đại biểu cho rằng việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm qua, chưa được khắc phục. Theo đó, việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung thêm dự án luật vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án luật được đề nghị bổ sung vào thời điểm sát với Kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn bị động cho các cơ quan của Quốc hội. Tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp vẫn diễn ra. Đại biểu nêu cụ thể: Năm 2019, Chính phủ đề nghị bổ sung 9 dự án luật, lùi thời gian trình 4 dự án luật, rút khỏi chương trình một dự án luật. Năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung 8 dự án luật, rút khỏi chương trình một dự án luật. Trong khi đó, việc gửi một số hồ sơ dự án đến Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu còn chậm so với quy định. Đơn cử tại kỳ họp này, sát phiên thảo luận, đại biểu chưa nhận được dự thảo Luật Ban hành quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Xây dựng. Một số nội dung thảo luận khác dự kiến thảo luận trong tuần tới nhưng đến nay, đại biểu vẫn chưa có dự thảo luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đã được xây dựng theo hướng mở. Nhiều dự án luật đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong xây dựng luật của Quốc hội, trong đó chủ yếu là ý thức chủ quan.
Nêu vấn đề cụ thể, đối với chương trình năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, cần đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án luật đối với việc đưa Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sửa đổi ra khỏi chương trình, bởi dự án luật này đã được đưa vào từ Kỳ họp thứ 8, sau đó vì lý do chuẩn bị chưa đầy đủ đã xin rút ra và chuyển qua Kỳ họp thứ 9, đến nay lại rút ra.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, vấn đề quản lý đất đai thời gian qua có nhiều vướng mắc, yếu kém; trong đó, pháp luật về đất đai còn quy định chưa rõ ràng; một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời; một số nội dung còn quy định chồng chéo… “Vấn đề luật đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản, đất đai của người dân. Thực tế những bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn liên quan đến đất đai. Theo thống kê, khoảng 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai. Ngoài năng lực yếu kém của cơ quan nhà nước, vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu ý kiến.
Cùng bàn về việc rút Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sửa đổi ra khỏi chương trình kỳ họp lần này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, đất đai là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển nhưng thời gian qua, hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực cho phát triển của bất cứ một công trình, dự án nào đều phải có yêu cầu về đất đai. Đại biểu đề nghị đẩy nhanh quá trình sửa đổi Luật đất đai, phải là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng pháp luật của Quốc hội. Nêu ý kiến thêm đối với việc rút khỏi chương trình kỳ họp lần này đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng dự án luật này cần sớm được hoàn thiện. Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để điều chỉnh ngay những tắc nghẽn còn vướng của dự án.
Xem xét nhiều giải pháp.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu ý kiến kiến nghị.
Nhắc lại tình trạng xin lùi, rút, trình chậm, chất lượng một số dự án luật chưa đảm bảo,…được nhiều đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chính phủ đã nhìn rõ và đã có những giải pháp. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ coi công tác xây dựng thể chế, xây dựng luật, pháp lệnh là ưu tiên số 1 và liên tục nhắc nhở, chỉ đạo tại các phiên họp thường kỳ; đồng thời tiếp tục giao bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện chương trình xây dựng….
Về mặt vĩ mô, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó gắn trách nhiệm giữa các cơ quan với nhiều quy định cụ thể. Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhắc đến giải pháp tăng cường vai trò giám sát kiểm tra của các cơ quan Đảng đối với công tác xây dựng thể chế, xây dựng luật và pháp lệnh.
Về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, đây là luật rất khó. Về việc rút dự án luật này ra khỏi chương trình kỳ họp, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ chưa đầu tư hết công sức. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này. Nguyên nhân khách quan là Luật Đất đai được thông qua năm 2013, cùng với Hiến pháp 2013. Trước đó, năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết về chính sách cơ bản và định hướng về chủ trương đối với các vấn đề liên quan đến đất đai; năm 2021 sẽ tổng kết Nghị quyết này. Bên cạnh đó, dự án luật này, muốn thông qua phải xin ý kiến nhân dân, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.