Các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ không ghi nhận được việc phát tán phóng xạ ở Việt Nam cho đến ngày 21/3. Theo số liệu quan trắc từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đám mây phóng xạ hiện đang di chuyển và đến ngày 22/3 sẽ chạm đến vùng Đông - Bắc quần đảo Philíppin. Tuy nhiên, nó sẽ khó có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.
Các lò phản ứng (giữa) của nhà máy điện Fukushiman số 1 tại thị trấn Okuma, quận Futaba bị phá hủy sau động đất và sóng thần ngày 11/3. |
Trong khi đó, theo thông tin từ Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 21/3, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 của 2 công dân Việt Nam là lưu học sinh ở Sendai. Kết quả không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 trong cơ thể của những người được kiểm tra.
*Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Theo Báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, hiện nay toàn bộ số tu nghiệp sinh của ta tại Nhật Bản vẫn trong khu vực an toàn cách xa nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và đang làm việc bình thường do mức phóng xạ bị rò rỉ từ nhà máy này vẫn ở mức chưa ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cũng như công dân Nhật Bản, tu nghiệp sinh Việt Nam tại đây đang tuân thủ những hướng dẫn của Chính phủ Nhật Bản trong việc đối phó với tình hình.
Hồng Ninh - Phúc Hằng