Dân sửa nhà trong ngõ vẫn biết, nhưng cao ốc vi phạm thì cơ quan chức năng không thấy

Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Luật Đất đai năm 2013 không còn phù hợp

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, qua thực tiễn xét xử của ngành Tòa án liên quan đến đất đai, hiện nay tại Hà Nội, 90% giải quyết khiếu nại hành chính, 50% các vụ tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai, kể cả các vụ án hình sự cũng... liên quan nhiều đến đất đai. Nguyên nhân cơ bản, cốt lõi nhất của thực tế trên là việc áp dụng Luật Đất đai năm 2013 không còn phù hợp với hiện tại, khiến tranh chấp đất đai “kéo dài, liên miên, không có hồi kết”, thể hiện ở 3 lĩnh vực chủ yếu: Cơ chế về giá, cơ chế quản lý, nhận thức của người dân.

Đối với vấn đề về giá, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính “có nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại”, như quy định pháp luật đất đai không phù hợp, chưa đầy đủ, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Trong khi đó, quy định giá bồi thường đất quá thấp, không phù hợp với thực tiễn; chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù thấp; chênh lệch giá giữa thành phố và nông thôn, thành phố và các tỉnh lân cận, giữa thành thị và nông thôn quá cao… dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, việc khiếu kiện kéo dài.

Cho biết đây là dự án luật khó bởi khi sửa liên quan đến rất nhiều luật khác nhau, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) nhấn mạnh: Rất nhiều vấn đề khi thực thi liên quan đến đất đai, như việc tranh chấp, các vụ án hình sự, vụ kiện dân sự kéo dài… Hiện nay, Nhà nước sở hữu cũng là thực hiện, thừa lệnh toàn dân, Nhà nước không được thay toàn dân; cần làm rõ nội hàm này, nội dung nào toàn dân quyết định, nội dung nào toàn dân ủy quyền cho Nhà nước.

“Đồng thời, cần làm rõ Nhà nước là đến cấp Trung ương, tỉnh, huyện hay xã. Thực tế cấp xã cũng có thể bán đất, thay đổi đất”, ông Phàn nêu; đồng thời cho rằng giá trị của đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm khác nhau. Việc sửa luật phải cân bằng giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

Trả lời đúng trọng tâm, không né tránh

Chiều 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào bốn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn 6 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lựa chọn 5 nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để lựa chọn 4 trong 5 nhóm vấn đề tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Về cách thức chất vấn, tranh luận và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Với tinh thần dành tối đa thời gian cho việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn phát biểu một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn không quá 5 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Thời gian trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn. Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực. Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lượt ba đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá một phút và nên tập trung một hoặc hai vấn đề để Bộ trưởng, trưởng ngành dễ theo dõi và trả lời vào đúng các vấn đề đại biểu quan tâm.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát vào chủ đề chất vấn, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Theo Chương trình Kỳ họp, chiều 3/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi và giám sát.

Ai chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chậm trễ trong phê duyệt quy hoạch

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trả lời câu hỏi "nguyên nhân gốc rễ của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh hiện nay?”, "ai là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công việc này? Giải pháp sắp tới thúc đẩy nhanh tiến độ này?" do đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch và tổ chức lập đồng thời cùng lúc 110 quy hoạch. Khối lượng công việc tiến hành rất lớn. Về tiến độ chung, đúng như đại biểu đã nêu, tiến độ lập quy hoạch đang chậm so với yêu cầu. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội sau khi giám sát đã nêu ra nhiều vấn đề và ban hành kịp thời Nghị quyết 61/2022/QH15 để tháo gỡ rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do lần đầu áp dụng luật nên còn lúng túng, còn có những cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch, lực lượng tư vấn quy hoạch còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch tích hợp. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ tham gia cùng địa phương, ngành có phương pháp lập tốt nhất, đảm bảo tiến độ, chất lượng như Quốc hội yêu cầu.

Dẫn thực tế “người dân sửa chữa nhà tận trong ngõ sâu mà Thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện ra”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn, ngoài trách nhiệm của địa phương, từ trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng, những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền để đảm bảo mọi vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, các quy định về xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng hiện đã tương đối đủ, chế tài đã rõ. Pháp luật về quản lý trật tự xây dựng tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo báo cáo mới đây, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm hàng năm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đôn đốc, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý theo đúng quy định, cũng như có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh bổ sung văn bản, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định. 

Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi thị sát tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông khi triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát làm vật liệu cho các công trình giao thông chiếm tới 39 triệu m3, trong khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 26 triệu m3. Vì thế, thiếu cát san nền rất lớn", Bộ trưởng nêu rõ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu dùng cát biển thay cát sông, bởi đây là vấn đề rất cấp thiết. Kết quả nghiên cứu, khảo sát ban đầu cho thấy, nếu sử dụng cát biển thay thế cát sông, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lượng cát biển rất lớn, không những đáp ứng nhu cầu của khu vực này mà còn cho cả nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, tro xỉ cũng là nguyên vật liệu thay thế được. Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn quy chuẩn và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản cho các nhà thầu sử dụng tro xỉ thay thế, hỗ trợ nguyên vật liệu là cát sông, san nền cho các công trình, dự án.

Làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội. Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh như từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của người dân, doanh nghiệp. Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản.

Theo Thống đốc, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lấy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Chẳng hạn, trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống, việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, việc điều hành tín dụng cần cân nhắc thận trọng.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Cử tri Bình Dương quan tâm việc phát triển vật liệu xây dựng mới đáp ứng công trình xanh
Cử tri Bình Dương quan tâm việc phát triển vật liệu xây dựng mới đáp ứng công trình xanh

Chiều 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Các cử tri tại Bình Dương nhận xét, phiên chất vấn đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cùng với trách nhiệm của các đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành đã tạo nên một phiên chất vấn sôi nổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN