Cán bộ là cầu nối giữa Đảng với dân
Theo bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
10 năm gần đây, cả nước đã có hơn 900.000 mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp. Đây là những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích trong việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… ở các địa phương, đơn vị.
Trong phong trào ấy, có thể kể tên những tấm gương điển hình như cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã vận động 258 hộ gia đình di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở; giúp đỡ 64 hộ thoát nghèo bền vững và nhiều hoạt động khác giúp đỡ nhân dân. Đặc biệt, thông qua mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Cao Bằng đã trực tiếp nuôi dưỡng 30 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa; các cháu được sống tại Đồn biên phòng, được đơn vị nuôi cho ăn học đến lớp 12.
Đến nay, Bộ đội Biên phòng cả nước đã trực tiếp nuôi dưỡng 355 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Qua các hoạt động trên, tình quân dân thêm gắn bó, cùng chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Đó là tấm gương Già làng Kpă Alét, dân tộc Jrai, Bí thư chi bộ làng Tnao, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, Gia Lai, đã vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; vận động, hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế để thoát nghèo; hòa giải các tranh chấp trong cộng đồng. Bản thân Già làng Kpă Alét và gia đình đã tích cực sản xuất, thu nhập bình quân 230 triệu đồng/năm.
Hay như chị Lý Thị Thiêm, dân tộc Dao, sinh năm 1992, Bí thư Đoàn thanh niên xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), một xã có tới 99% đồng bào Mông; phần lớn chị em phụ nữ trong xã không biết chữ và tiếng phổ thông. Chị Thiêm đã quyết tâm tự học, thi đỗ Đại học Nông lâm Thái Nguyên, vừa học xa nhà vừa nuôi con nhỏ, nhưng chị Thiêm đã cố gắng học tập, tốt nghiệp loại khá. Trở về xã công tác, chị luôn tiên phong, xung kích đi đầu, vận động đoàn viên, thanh niên tu sửa, làm mới 27 km đường giao thông nông thôn; khai hoang 22 ha ruộng bậc thang giao lại cho người dân sản xuất... Chị Thiêm còn hỗ trợ các bạn trẻ trong xã xây dựng các mô hình nuôi gà đen, gà siêu trứng, vịt siêu trứng, trồng thảo quả… hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống.
Và còn rất nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình khác trong phong trào “Dân vận khéo” đang hằng ngày hăng say công tác, vận động giúp đỡ nhân dân ở các địa phương, đơn vị trong cả nước.
Đề cao vai trò, ý thức trách nhiệm trong công tác dân vận
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Những năm tới đây, đất nước ta đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết và hiện nay đại dịch COVID-19 đang thách thức. Bên cạnh đó, trình độ dân trí ngày càng cao, vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, khoa học - công nghệ, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ... Tất cả những vấn đề đó sẽ tác động không nhỏ đến nhân dân, đến công tác dân vận”.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, để công tác dân vận thời gian tới đạt kết quả cao; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò quan trọng của công tác dân vận; về mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với nhân dân; công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đề cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, với tinh thần phải “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.
“Không ngừng đổi mới hoạt động dân vận theo hướng thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói.
Tiếp tục khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả nhất. Tuân thủ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát".
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có thêm nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều tấm gương dân vận khéo được quần chúng tin yêu, qua đó phát huy sức mạnh, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn vận động được nhân dân, được dân tin yêu, trước hết, phải bằng mọi cách tuyên tuyền, giải thích, thuyết phục để nhân dân hiểu và tin tưởng, tự giác thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá, tạo bất ổn xã hội. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng trong cuộc sống để nhân dân noi theo. Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ làm công tác dân vận. Dân vận là công việc gian nan, hiệu quả khó định lượng; liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trong bối cảnh dân trí ngày một cao hơn. Vì thế, đòi hỏi mỗi cán bộ dân vận phải kiên trì, không nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để tiến hành công tác dân vận; chú trọng, kịp thời khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở.