Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Hướng về cơ sở, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, quan tâm hơn đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Công tác dân vận đã động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Chú thích ảnh
Xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng có nhiều chuyển biến vượt bậc do nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

"Dân vận khéo" - khơi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Chính thức phát động trên cả nước từ năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đã được các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, ở tất cả các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. 

Phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Dân vận Trung ương cho biết, hơn 10 năm qua, cả nước đã có hơn 900 nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp.

Thi đua " Dân vận khéo", các tổ chức, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung hướng về cơ sở, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ mạnh mẽ kinh tế hợp tác xã; thúc đẩy khởi nghiệp trong cộng đồng.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phong trào “Dân vận khéo” đã huy động sức mạnh của nhân dân, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Phong trào “Dân vận khéo” gắn với các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Từ hiệu quả ở mỗi địa phương, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã mang lại động lực mới, phát huy nguồn lực của xã hội và nhân dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhà nước hỗ trợ, người dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ, liên kết 4 nhà trong phát triển kinh tế... đã xây dựng được hàng trăm nghìn công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế ở địa phương, nhất là xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đường giao thông, thủy lợi, điện sản xuất, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế ở các địa phương. 

Người dân vận động lẫn nhau, tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng; hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa; làm mới, sửa chữa, nâng cấp kênh mương; xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết… Trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các mô hình “Dân vận khéo” đã giúp trên các hộ nghèo, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, đoàn viên, công đoàn về vật tư, ngày công, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, giúp người nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu trên quê hương.

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến nay, cả nước 5.5 xã (60,5% số xã) và 152 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, còn khoảng 5,7%; 96% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2 - 2,5 lần... Diện mạo nông thôn nước ta đã có nhiều đổi thay rõ rệt.

Vì cuộc sống bình yên của nhân dân

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phòng trào "Dân vận khéo" đã được gắn chặt với các phong trào “Quốc phòng toàn dân”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhiều mô hình "Dân vận khéo" đã được triển khai: " Nâng bước em đến trường" “Thầy thuốc, thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Mái ấm nơi biên cương”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Đồng hành cùng ngư dân bám biển”... “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc”, Tết biên giới ấm tình quân dân”, “Con nuôi đồn Biên phòng”. Các đơn vị Quân đội luôn gắn bó mật thiết, đồng hành với nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong tham gia giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Điện Biên) tuyên truyền chủ trương, chính sách cho nhân dân xã Na Ư - địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội được triển khai đồng bộ, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động của cả nước, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ -Bộ đội của dân”. Các chiến sĩ Biên phòng “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), góp phần củng cố hệ thống chính trị, ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Đời sống nhân dân các đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đang từng ngày được được xây dựng cơ bản đảm bảo cho sự kết nối phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như thực hiện các chương trình“Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”… góp phần giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện đến trường; động viên bà con yên tâm phát triển sản xuất, cùng bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư  thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn ngư dân sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cách kết nối thông tin liên lạc, xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tại những điểm cách ly của quân đội, các đơn vị đã chủ động nhường doanh trại, cơ sở vật chất, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc chu đáo, tận tình, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công dân Việt Nam và người nước ngoài cách ly tập trung phòng, chống dịch. Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. 

Phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng lực lượng nòng cốt, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm về an ninh quốc phòng. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân như: “Tiếng kẻng phòng gian”, “ “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm”, “Xây dựng xã, phường không có tội phạm và tệ nạn ma túy”... Qua đó, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong chấp hành pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. 

Nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân

Hưởng ứng phong trào thi đua "Dân vận khéo", cơ quan nhà nước chú trọng nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, tập trung xử lý, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác dân vận chính quyền của các cơ quan nhà nước đạt được kết quả tích cực; ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu được nâng lên rõ rệt.

Chính phủ xây dựng hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân; xây dựng tiêu chí và công bố chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, công nhân lao động, nông dân thường niên nhằm lắng nghe, kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,  nghiên cứu, sửa đổi chính sách liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, nông dân, để họ yên tâm sản xuất, lao động tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cũng tổ chức  các cuộc đối thoại để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở. 

Hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, công tác dân vận chính quyền đã nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu được quan tâm chú trọng. Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết kịp thời. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã tiếp trên 165.000 lượt công dân với hơn 134.000 vụ việc; xử lý hơn 80.300 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số hơn 141.000 đơn tiếp nhận; giải quyết trên 9.900 vụ việc trên tổng số gần 14.000 vụ khiếu nại; tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt trên 71%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo,  các cơ quan đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 13 tỷ đồng, 76 ha đất; trả lại quyền lợi cho hơn 500 người; kiến nghị xử lý hành chính 169 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc. Công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật. Chỉ số cải cách hành chính, đánh giá hài lòng của người dân cao hơn qua từng năm. Dân chủ được mở rộng tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quán triệt thực hiện trong cả hệ thống chính trị và đạt kết quả tốt; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ đạt kết quả thiết thực.

Việc thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền đã góp phần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong thời gian tới, công tác dân vận tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và triển khai cuộc vận động, phong trào do Trung ương phát động; qua đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn trong những năm qua đã khẳng định, phong trào thi đua "Dân vận khéo" là chủ trương đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân, góp phần đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới. "Dân vận khéo” thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.

Diệp Trương (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các điển hình 'Dân vận khéo' toàn quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các điển hình 'Dân vận khéo' toàn quốc

Chiều 10/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật các điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN