Đoàn lãnh đạo tỉnh Long An và huyện Đức Hòa đã có phút mặc niệm tưởng nhớ những trang sử liệt oanh của dân tộc cũng như công lao và sự hy sinh to lớn của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Võ Văn Tần.
Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891 tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Ông nội và ông ngoại của đồng chí đều là những người yêu nước, từng tham gia các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Thân sinh của đồng chí Võ Văn Tần có 7 người con và tất cả đều là đảng viên cộng sản ưu tú; trong đó có 4 người là liệt sĩ, 2 người đã từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng. Mẹ đồng chí Võ Văn Tần đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ thanh niên yêu nước có lý tưởng và năng lực được minh chứng qua thực tiễn, đồng chí Võ Văn Tần đã trở thành người cộng sản ưu tú, kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Với 50 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi trên nhiều cương vị khác nhau, từ Bí thư chi bộ làng Đức Hòa, Bí thư Quận ủy Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đồng chí có những cống hiến to lớn về tư duy và những định hướng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ðồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt ngày 21/4/1940 tại Tân Thới Trung (nay thuộc xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Biết đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, địch đem bản án tử hình cũ ra đe dọa và dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng khuất phục, nhưng đều thất bại.
Ngày 28/8/1941, địch xử bắn đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến tại khu Giếng nước (nay là Bệnh viện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và lý tưởng sống cùng sự kiên trung và khí tiết bất khuất của các đồng chí đã trở thành biểu tượng tinh thần cao đẹp, sáng ngời về ý chí quật cường của một chiến sĩ cách mạng và một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Đảng bộ và nhân dân Long An luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy các di tích về đồng chí Võ Văn Tần để phục vụ công tác giáo dục truyền thống. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về quê hương đất nước, củng cố niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và tri ân các chiến sĩ cộng sản tiền bối của Đảng. Tên đồng chí Võ Văn Tần được đặt cho nhiều con đường, ngôi trường trong tỉnh. Tượng đài của đồng chí Võ Văn Tần đã được xây dựng tại di tích ngã tư Đức Hòa - di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà ông Bộ Thỏ - địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư cũng đã được Bộ văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, việc tổ chức Dâng hương kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần, là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại và tự hào với những giá trị lớn lao về lý luận và thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng đó, chính quyền và nhân dân Long An luôn đoàn kết, gắn bó thành một khối thống nhất, để khắc phục mọi khó khăn, thử thách, với một quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ cấp bách chống dịch COVID- 19 thắng lợi; đồng thời, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.