Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế đất nước ta đã có những dấu hiệu phục hồi. Đại biểu đánh giá như thế nào về những thành tựu kinh tế - xã hội cũng như ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua?
Trong bối cảnh tình hình chung rất khó khăn, nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn nên chúng ta cũng phải đối diện, ứng phó và phải khắc phục những thách thức từ bên ngoài. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có quy mô nhỏ, sức chống chịu yếu, nên chúng ta cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng rất tiêu cực.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động trong phối hợp thực hiện chính sách của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ trong quá trình quản lý điều hành, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua. Cho dù chỉ tiêu tăng trưởng chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng rõ ràng so với mặt bằng của các quốc gia trong khu vực và thế giới thì những kết quả đạt được đó cũng giúp chúng ta có những điều kiện tích cực để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Đặc biệt, chúng ta đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Những điều đó giúp cho chúng ta thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, cho dù còn có rất nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết. Chính phủ cũng rất thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục, đặc biệt là trong báo cáo Chính phủ cũng nêu rõ 11 nhóm giải pháp để triển khai quản lý điều hành kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh an sinh xã hội, thực hiện chính sách đối ngoại.
Tôi nghĩ với những chủ trương, chính sách đã được định hướng như thế thì sẽ mang lại những kết quả tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc (cả khách quan và chủ quan) để có những vận hành linh hoạt, thích ứng trong thời gian tới mới mong đạt được kết quả tích cực.
Chính phủ mới đề xuất lên Quốc hội sẽ tiếp tục giảm các loại thuế, phí trong 6 tháng cuối năm. Vậy theo đại biểu, điều này sẽ giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như thế nào?
Những chính sách miễn, giảm thuế, phí đều nằm trong các mục tiêu của chính sách tài khóa, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Cùng với đó, việc giảm thuế, phí cũng giúp giảm chi tiêu cho người dân, giúp người dân có thể cải thiện đời sống.
Tất nhiên, với mỗi một chính sách thì bao giờ cũng có những tác động tích cực nhưng cũng có ảnh hưởng đến một số bộ phận hoặc là ảnh hưởng đến phần thu ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, với những chính sách đặt ra thì cũng cần phải đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, từ đó giúp cho việc vận hành hiệu quả trong thực tế, mang lại được hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình giải quyết các vấn đề về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra rất nhiều giải pháp, cả về chính sách tài khóa, chính sách về thuế, phí, vấn đề về chi tiêu đầu tư công để tạo cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư công các công trình trình hạ tầng phát triển là nền tảng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Những chính sách tài khóa thì có cả những chính sách liên quan đến quản lý, quản trị nợ công, làm sao đảm bảo hiệu quả cao nhất khi sử dụng nguồn lực nhà nước. Đối với những chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng giúp cho doanh nghiệp có điều kiện hấp thụ được nguồn vốn rộng hơn, thông qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phía Quốc hội đã chủ động phối hợp, hỗ trợ trong xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý để kinh tế phát triển. Đồng thời, thông qua đó, cũng giám sát hoạt động Chính phủ cũng như cơ quan có liên quan, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội phù hợp quy định pháp luật, mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm cũng như năng suất lao động của Việt Nam nhiều năm không đạt mục tiêu. Theo đại biểu, trong thời gian tới cần có những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Chúng ta đang có chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, tuy nhiên, yếu tố cơ cấu của công nghiệp có xu hướng giảm, năng suất lao động cũng giảm, điều này cũng đã được Chính phủ báo cáo đánh giá rất rõ ràng trong báo cáo về kinh tế tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, có giải pháp để triển khai thời gian sắp tới.
Đương nhiên, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp thì cần phải có chính sách chung để thúc đẩy phát triển vì còn liên quan đến thị trường, nhu cầu và năng lực cũng như điều kiện của chúng ta. Nhưng rõ ràng xu hướng tăng về sản xuất công nghiệp cũng là một trong những nội dung đã đặt ra để triển khai trong thời gian sắp tới.
Liên quan đến năng suất lao động thì yếu tố tác động đến vấn đề này cũng phải phân tích rất rõ, rất cụ thể. Ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian vừa qua và thời gian sắp tới có những thay đổi khá nhanh, khá tích cực sẽ giúp cho năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Cùng với đó, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo cũng giúp giải phóng được lao động. Chính vì vậy, khi xem xét đến vấn đề yếu tố tăng năng suất lao động thì chúng ta cần quan tâm đến khía cạnh này.
Ví dụ, giai đoạn vừa qua, trước cả khi chịu áp lực của dịch bệnh, thì áp lực phải cải cách năng suất lao động đã khiến rất nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ. Tôi chỉ đơn cử như đưa robot vào để phục vụ cho hoạt động sản xuất thì năng suất có thể tăng lên gấp hàng chục lần.
Bây giờ với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thì thực tế không thể đào tạo nguồn nhân lực có được năng suất vượt trội như máy móc nên chúng ta cần xem xét lựa chọn ứng dụng công nghệ thích hợp. Cùng với đó, là đào tạo nguồn nhân lực nào có thể khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ mới. Do đó, với vấn đề phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động thì nguồn nhân lực phải lựa chọn đúng vào nhóm đối tượng cần và đặc biệt, không chỉ xem trong ngắn hạn mà cần phải xem cả trong dài hạn. Tức là chúng ta chuẩn bị nhân lực cho phát triển ứng dụng công nghệ số, vấn đề ứng dụng 4.0 hay là vấn đề ứng dụng công nghệ mới chứ không chỉ đơn thuần là xem xét năng suất lao động thông qua những hoạt động mang tính chất thông thường như hiện tại. Cần phải có cái nhìn dài hạn, gắn với tương lai của công nghệ và xu thế của thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!