Đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước

Ngày 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đồng thời giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Nhờ những nỗ lực giải quyết bài bản, khoa học những tồn tại tích tụ từ trước, từng bước hóa giải các thách thức phát sinh, ngành tài nguyên và môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành cũng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, nền tảng để cùng với đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Đối với vấn đề môi trường, Bộ đã tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây là cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ là nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp. Nội dung sửa đổi của Luật xác định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. 

Nhiều công cụ, chính sách kinh tế được bổ sung như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển ngành công nghiệp môi trường; đề xuất sửa đổi các chính sách về bảo vệ môi trường đang được quy định tại một số luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật Bảo vệ môi trường. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án sửa đổi Luật này, để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.

Có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế Việt Nam đang tham gia. Do đó, cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong xu thế phát triển. Luật sửa đổi có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo đồng thời đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Cơ bản nhất trí tờ trình và dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), song Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giáng Páo Mỷ cho rằng, cần đánh giá tác động chính sách mới, tiếp tục rà soát vì có nhiều nội dung mới khác với luật chuyên ngành nên vẫn còn chồng chéo. Khoản 3, Điều 190 đề xuất đưa vào Luật Đầu tư sửa đổi, tương tự với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra đối với môi trường không khí, nên Luật quy định chặt chẽ hơn về các nguồn ô nhiễm không khí. Thẩm định đánh giá tác động môi trường đang có 2 phương án, phương án 1 đảm bảo tương thích với Luật Đầu tư công nhưng hạn chế là chưa đảm bảo khách quan do thiếu sự tham gia của địa phương. Phương án 2 có vướng mắc là các dự án của các Bộ, ngành thì chưa phát huy được năng lực của các bộ, nên đề xuất kết hợp 2 phương án.

Ông Đặng Duy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất nên giảm thủ tục hành chính đối với thẩm quyền đánh giá tác động môi trường. Dự án nào tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thì giao cho tỉnh, trường hợp năng lực thẩm định chưa đảm bảo tỉnh sẽ mời chuyên gia. Bổ sung trách nhiệm các thành viên hội đồng thẩm định, sau này nếu có vấn đề xảy ra thì ngành đó phải chịu trách nhiệm; tăng cường đột xuất thanh tra, kiểm tra, những doanh nghiệp vi phạm thì có thể thanh tra nhiều lần.

Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh góp ý: Cần rà soát lại các nội dung rải rác tại các điều khoản về hành vi cấm và tích hợp vào Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường. Việc phân cấp thầm quyền đánh giá tác động môi trường cho địa phương là cần thiết và phân cấp phải căn cứ vào quy mô từng dự án, tính chất tác động của dự án. Như các dự án về khu bảo tồn đưa về Bộ Tài nguyên và Môi trường là khó do ảnh hưởng tiến độ của địa phương. Phương án cải tạo và đóng cửa mỏ đang được quy định tại 2 luật nên cần xem xét để quy định trong 1 luật. 

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đa số phụ thuộc vào các nhà đầu tư, các tỉnh thiếu định hướng về công nghệ xử lý từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Do đó, cần có định hướng cho các địa phương để tránh đầu tư kém hiệu quả hoặc không đảm bảo môi trường. Các vấn đề môi trường vướng mắc như việc xả thải lớn gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định 40 quy định vùng nuôi thủy sản dưới 40 ha. Các doanh nghiệp nuôi cá tra áp dụng quy chuẩn Việt Nam 40 là rất cao, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ…

Minh Nguyệt (TTXVN)
Lấy ý kiến cho dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi)
Lấy ý kiến cho dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi)

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN