Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3141/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành lập Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ngày 26/7/2019, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã ban hành các Quyết định thành lập Tổ Biên tập và giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương thực nhiệm nhiệm vụ soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Đến thời điểm này, hồ sơ dự thảo Luật cơ bản được chỉnh lý, bổ sung từng bước hoàn thiện. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 32 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động biên phòng; hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng Bộ đội Biên phòng; hợp tác quốc tế và phối hợp thực thi hoạt động biên phòng; đảm bảo thực thi hoạt động biên phòng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của các cá nhân về hoạt động biên phòng.
Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, Hồ sơ dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam được chuẩn bị công phu, chất lượng. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã tổ chức xin và tiếp thu đầy đủ ý kiến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội.
Các đại biểu cũng tập trung tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động biên phòng; hoạt động cơ bản về biên phòng; vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng; công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng và hợp tác quốc tế về biên phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cá nhân về hoạt động biên phòng.
Bà Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã nêu một số khó khăn, thách thức trong vai trò và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa đối với việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Cùng với đó, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là cần phải tiến hành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khả năng cống hiến sức lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã cho biết thêm về công tác phối hợp với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Biên phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào) trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh ngăn chặn hoạt động di cư tự do, phòng chống ma túy và tội phạm…
Tại Hội thảo, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Trong thời gian tới, cơ quan thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu ý kiến để nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ Luật Biên phòng Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào 3 chính sách đã được đánh giá tác động trong dự án Luật để chỉnh lý, bổ sung như nhiệm vụ, hình thức thực thi, quyền hạn của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Đồng chí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đề nghị các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào hồ sơ Luật Biên phòng Việt Nam trước khi báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.