Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Phiên họp cấp cao Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) tại thành phố New York, Hoa Kỳ ngày 18/7/2016. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của ECOSOC thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với LHQ và xây dựng một thế giới tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Là một trong 54 thành viên của ECOSOC, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu rộng hơn vào việc xây dựng, định hình “luật chơi chung” của thế giới thông qua đóng góp tiếng nói trách nhiệm, xây dựng vào các chính sách, văn kiện, hành động của ECOSOC trong các lĩnh vực rất phong phú của đời sống kinh tế, xã hội thế giới.
Trong nhiệm kỳ 3 năm làm thành viên ECOSOC, Việt Nam cũng có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào tiến trình thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030. Việt Nam cũng có thêm điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế để phát triển kinh tế và xã hội trong nước.
Năm 2016 là năm đầu tiên các nước thành viên LHQ bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với những mục tiêu rất mới mẻ, đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển, đổi mới nguồn lực và các bộ máy quản lý nếu muốn thực hiện thành công những mục tiêu trên.
Do đó, trọng tâm của ECOSOC là nhận diện những thách thức và khó khăn trong tiến trình thực hiện những mục tiêu này. Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các cuộc trao đổi của LHQ để đúc rút kinh nghiệm và xác định đâu là những lĩnh vực cần ưu tiên trước và huy động các nguồn lực từ đâu…
Trong năm 2016, đã có hai đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự các cuộc họp của ECOSOC. Đáng chú ý nhất là sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phiên họp cấp cao của ECOSOC diễn ra vào tháng 7 vừa qua.
Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu dẫn đề, trong đó nêu bật cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của ECOSOC và thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững một cách nghiêm túc và với quyết tâm chính trị cao.
Một dấu ấn nữa của Việt Nam trong các hoạt động của ECOSOC là đoàn do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dẫn đầu tham dự phiên đối thoại cấp cao về lồng ghép chính sách diễn ra vào tháng 5. Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích của người lao động.
Thứ trưởng cũng đã phát biểu thay mặt các nước ASEAN, nêu bật tầm quan trọng của việc phối hợp xây dựng chính sách ở cấp khu vực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó có việc giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Đánh giá về hoạt động của Việt Nam trên cương vị thành viên ECOSOC, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh tại các diễn đàn của ECOSOC cũng như các diễn đàn khác, Việt Nam đều tích cực đóng góp những kinh nghiệm của mình, đồng thời nêu ra nhiều khuyến nghị để triển khai chương trình nghị sự một cách hiệu quả.
Những nỗ lực đó của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, thể hiện qua việc Việt Nam thường xuyên được mời tham gia các diễn đàn thảo luận về việc làm thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững một cách hiệu quả và thực chất.
Với tư cách là thành viên ECOSOC, Việt Nam đã có một số đóng góp quan trọng cho ngôi nhà chung LHQ như: Đổi mới và nâng cao hiệu quả của bộ máy LHQ nhằm xây dựng mô hình hợp tác mới giữa LHQ và các nước thành viên; Đưa ra những khuyến nghị kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển về mặt nguồn vốn và chuyển giao công nghệ; Tham gia hoàn thiện các bộ chỉ số để từ đó có các cơ chế rà soát, đánh giá mức độ các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Đóng góp những ý kiến về việc xây dựng mô hình phát triển mới như mô hình hợp tác công-tư, mô hình hợp tác Nam - Nam.
Mặc dù chương trình nghị sự phát triển bền vững được áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên LHQ, song chương trình đặc biệt chú trọng vào những quốc gia kém phát triển nhất và không có biển.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã và đang tích cực cùng LHQ xây dựng những ý tưởng để trợ giúp những quốc gia nghèo, những quốc gia không có biển để tiến tới xây dựng một hành tinh “không có ai bị tụt lại phía sau”.