50 năm trước, trận thư hùng trên biển (2 -5/8/1964 - 2-5/8/2014) của Hải quân Việt Nam, sau 10 năm thành lập, đã phá tan âm mưu phá hoại miền Bắc bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ. Những bài học lịch sử của chiến thắng này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lấy yếu thắng mạnh
Ngày 1-2/8/1964, đế quốc Mỹ huy động nhiều máy bay bắn phá các mục tiêu trên biển và đất liền của các tỉnh duyên hải phía Bắc. Ngoài khơi vịnh Bắc bộ, tàu khu trục Maddox xâm phạm hải phận nước ta, gây ra một số vụ khiêu khích với ngư dân miền Bắc. Đêm 5/8, các máy bay của Mỹ tiếp tục tập kích vào các vùng ven biển miền Bắc.
Các chiến sỹ tàu phóng lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Ảnh: Vũ Tạo – TTXVN |
Tàu khu trục Maddox khi đó thuộc diện hiện đại, tối tân nhất của Hải quân Mỹ, với các giàn phóng bom có thể dùng đánh tàu ngầm và phá ngư lôi. Maddox còn được dàn máy bay tiêm kích hỗ trợ với 3 tầm hỏa lực, tầm mạnh nhất hơn phía Việt Nam 10 lần. Trong khi đó, theo hồi ức của các cựu chiến binh Hải quân Việt Nam, tàu của ta nhỏ, trang bị mỗi tàu phóng lôi chỉ vẻn vẹn 2 quả ngư lôi, 1 bệ pháo 14,5mm và súng tiểu liên. Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi bao xung quanh, mới có thể đánh trúng 1 quả ngư lôi vào tàu Maddox.
Tương quan lực lượng như vậy là không cân sức. Trên trời, dày đặc máy bay quần thảo, dưới biển là tàu hiện đại tấn công, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam với trang thiết bị còn hạn chế, liên tục bị hư hỏng do bom đạn địch, đã phát huy tinh thần dũng cảm, vừa khéo léo tránh đòn tấn công của địch, vừa tranh thủ tiếp cận và tấn công tàu khu trục Maddox của Mỹ. Kết quả, 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi, giặc lái bị bắt sống, tàu Maddox cũng bị đạn của Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công. Chiến thắng thuộc về phía lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận đầu này là một đòn cảnh cáo với chính quyền Mỹ và Sài Gòn, tạo tiếng vang lớn trên trường quốc tế, khẳng định ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.
Bài học để lại cho Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng và quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, là sức mạnh của tinh thần quật cường chiến đấu vì chính nghĩa; là trí thông minh, linh hoạt kết hợp với lòng quả cảm khắc phục mọi khó khăn của các chiến sĩ cũng như trí tuệ quân sự Việt Nam. “Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” là đường lối đúng đắn và tài tình của quân và dân ta, đã được chứng minh qua trận đầu chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam, và qua suốt chặng dài lịch sử sau này cũng như hiện nay.
Tập trung mọi nguồn lực
Làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, không thể không kể đến những quyết tâm của toàn đất nước, thể hiện ở chỗ dù miền Bắc năm 1964 còn nhiều khó khăn song vẫn dành mọi ưu tiên để đầu tư cho Hải quân.
Ngay từ tháng 1/1964, nhận định tình hình Mỹ sẽ leo thang chiến tranh, và khả năng tấn công của địch từ phía biển, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương trang bị vũ khí cho các tàu chiến đấu của ta. Cho dù quy mô tàu nhỏ, vũ khí còn thô sơ so với quân địch hiện đại, lại sửa chữa, lắp ráp trong điều kiện dã chiến, song các chiến sĩ Hải quân đã khắc phục khó khăn, không quản ngày đêm làm việc. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến tháng 7/ 1964, hai phần ba số tàu tuần tiễu của Quân chủng đã được thay thế, lắp vũ khí, trang thiết bị để bảo đảm khả năng chiến đấu, nhất là chiến đấu phòng không trong hoạt động tuần tiễu độc lập trên biển.
Những nỗ lực thầm lặng của bộ phận kỹ thuật Hải quân đã được đền đáp xứng đáng. Các chiến sĩ chiến đấu trực tiếp đã tiết kiệm từ quả ngư lôi, bảo vệ tàu thuyền trang thiết bị và phát huy triệt để mọi tiềm lực được trang bị, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Sự ưu tiên đầu tư đúng hướng đã góp phần làm nên chiến thắng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại, đủ sức là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Muốn như vậy, song song với việc đón nhận đầu tư về tàu thuyền, cơ sở hạ tầng hậu cần và khí tài hiện đại, Hải quân nhân dân Việt Nam phải không ngừng xây dựng quân chủng vững mạnh về mọi mặt, với đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, có đủ năng lực tiếp nhận và vận hành, làm chủ trang thiết bị, luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Thế trận lòng dân
Giữa hoàn cảnh khó khăn, miền Bắc vừa là hậu phương lớn vừa phải gồng mình chiến đấu với sự leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ thì sự đồng lòng của quân và dân đã thực sự tạo nên sức mạnh cho dân tộc, vượt qua những thử thách ác liệt. Trong những ngày chống trả kiên cường với lực lượng hải quân và không quân hùng hậu của đế quốc Mỹ, quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng đã sát cánh cùng nhân dân chiến đấu. Chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Làm tốt công tác tuyên truyền về biển đảo, xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang tại Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh)... trong trận đầu giao tranh khốc liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngày nay, những diễn biến căng thẳng, phức tạp trên biển đang đặt ra cho quân và dân ta những thử thách không nhỏ về bảo vệ chủ quyền biển. Nhìn lại trận đầu chiến thắng anh dũng trước lực lượng quân địch hùng mạnh, cũng như những ngày tháng gian nan vừa qua trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, mỗi chiến sĩ hải quân cũng như mỗi người dân Việt Nam thêm thấm thía những bài học không bao giờ cũ về tinh thần dân tộc, ý chí quật cường và sự đoàn kết gắn bó giữa quân, dân cả nước. Thế trận lòng dân được vun đắp từ những hành động của các chiến sĩ chăm lo cho bình an của ngư dân. Khi đó, mỗi con tàu, hòn đảo tiền tiêu, mỗi nhà trạm trên biển không chỉ là chỗ dựa vững chắc của người dân, mà còn là địa chỉ tin cậy, yêu thương và đùm bọc của đồng bào cả nước.
T.Hương