Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, nhờ sự chỉ đạo, định hướng thường xuyên của cơ quan chủ quản, năm 2021, hầu hết các nhà xuất bản đã khắc phục khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19; sáng tạo, tập trung xây dựng kế hoạch xuất bản được nhiều bộ sách, đầu sách phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương. Nhiều cơ quan chủ quản thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà xuất bản kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh, liên kết; nhiều cơ quan chủ quản và nhà xuất bản tập trung làm tốt việc xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản, chú trọng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo hàng năm và từng giai đoạn; chỉ đạo thực hiện công tác thi đua khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, thực sự trở thành cộng lực mạnh mẽ để động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ, viên chức, người làm công tác xuất bản vượt qua khó khăn, thử thách, thêm quyết tâm, nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19, ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm lưu ý, trong năm 2022, đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển đơn vị xuất bản chủ lực, thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản, khuyến khích các nhà xuất bản chuyên ngành, chuyên sâu. Đối với cơ quan chủ quản, cần quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Đối với cơ quan xuất bản, cần xây dựng kế hoạch, đề tài trung và dài hạn, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), tận dụng số hóa, chuyển đổi số kịp thời để tạo ra các sản phẩm xuất bản điện tử chất lượng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa đạng của độc giả, tạo những tiện ích tốt nhất trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm, chú trọng công tác truyền thông để thúc đẩy văn hóa đọc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2021, các nhà xuất bản thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu: 29.274 cuốn với 350 triệu bản sách in, 2.300 xuất bản phẩm điện tử với 25 triệu lượt truy cập, 1.374 xuất bản phẩm với 25,6 triệu bản (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch…). Trong năm 2021, các nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là cho ra đời các xuất bản phẩm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng như: sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; sách kỹ năng, dạy nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp; sách cung cập hệ thống kiến thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng...
Đề cập tới những khó khăn và hạn chế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một số cơ quan chủ quản chưa thật sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát hoạt động của nhà xuất bản. Việc chủ động phát hiện, xử lý những vấn đề liên quan tới nội dung các xuất bản phẩm vi phạm, nhất là những vấn đề có tính quan trọng, nhạy cảm, phức tạp chưa được cơ quan chủ quản xử lý kịp thời, quyết liệt nên có tình trạng một vài nhà xuất bản còn buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực cho nhà xuất bản, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo chưa được một số sơ quan chủ quản chú trọng, dẫn đến việc nhà xuất bản trực thuộc thiếu hụt nguồn nhân lực để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cho vị trí lãnh đạo. Cùng với đó, hiện nay số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số nhà xuất bản, chưa có sự bứt phá trong việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử để tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động xuất bản, cùng với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành xuất bản, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị cơ quan chủ quản lưu ý quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho nhà xuất bản đáp ứng được tiêu chuẩn và thực tiễn công việc, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là đối với biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận; quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, đóng góp vào việc đưa ngành Xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại; có kế hoạch trung và dài hạn để giúp nhà xuất bản tháo gỡ khó khăn, hoạt động ổn định trong tình hình dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan quản lý trong việc định hướng nhà xuất bản triển khai hiệu quả một số chương trình, đề án thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước, kết hợp với chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa.
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn An Tiêm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong các Chỉ thị, Nghị quyết và nội dung Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng, Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới. Việc thể chế hóa này sẽ giúp 31 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn. Trước mắt, để việc sửa đổi, bổ sung, Điều lệ Hội Xuất bản Việt Nam trong kỳ Đại hội V nhiệm kỳ 2022- 2027 được thuận lợi và khả thi hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội nghị giao ban các cơ quan chủ quản nhà xuất bản lần này tiếp tục khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam trong việc quyết tâm triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của ban tổ chức và tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham gia tại các điểm cầu, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng trong thời gian vừa qua, cơ quan chủ quản đã quan tâm, chỉ đạo và nâng cao năng lực hoạt động của nhà xuất bản thông qua các nguồn lực về cơ sở vật chất kỹ thuật bên cạnh việc đưa ra những phương án kịp thời như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản, đẩy mạnh chuyển đổi số, xuất bản sách điện tử… giúp bạn đọc tăng cường cơ hội tiếp cận, đồng thời mở ra được một hướng đi mới đột phá trong phát triển thị trường, giúp ngành sách xuất bản bước vào kinh tế số. “Nhân dân rất quan tâm, rất cần sách bất chấp ngày càng có nhiều thiết bị điện tử thông minh, trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là làm sao để sách đến được với nhân dân một cách kịp thời và đa dạng, phong phú về thể loại để đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nhiều hơn”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.