Bài 1: Ninh Bình triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Xác định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng trong Chương trình cải cách hành chính hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 mang lại lợi ích thiết thực, giúp cơ quan hành chính Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực một cách thuận tiện.
Đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4
Xác định tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những tiêu chí cơ bản đầu tiên và quan trọng thuộc mục tiêu "Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội" của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 5/5/2021 về việc triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu với Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình, với vai trò đầu mối, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa để tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp; đồng thời đảm bảo việc kết nối liên thông với hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến để theo dõi trực tuyến tình hình cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ để lựa chọn và đưa 100% dịch vụ có đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó có các giải pháp thúc đẩy kịp thời, phát huy hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”. Để phát huy hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Sở phối hợp cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tập trung nghiên cứu các giải pháp khuyến khích tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 của tỉnh. Sở khuyến khích các ngân hàng mở rộng việc cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp phát huy hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp.
Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Tham gia quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng với 151 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Trung tâm Một cửa liên thông, UBND thành phố Ninh Bình là đơn vị có tỷ lệ hồ sơ phát sinh luôn đạt trên 50%, cao hơn mức trung bình của khối huyện, thành phố theo quy định là từ 20%.
Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Trưởng bộ phận một cửa, UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Để dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả, phục vụ thuận lợi nhu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng với việc làm tốt các phần việc chuyên môn như cập nhật trạng thái hồ sơ, liên thông dữ liệu, chuyển đổi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng giấy thành hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số… trung tâm còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh thông tin để mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
Chị Bùi Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình được cử đến làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Từ khi triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, công việc chuyên môn thuận lợi hơn vì thao tác hoàn toàn trên máy tính. Do đó để người dân biết và tham gia thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, mỗi công chức trong quá trình tiếp công dân sẽ hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân lần đầu đến giao dịch qua đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Anh Nguyễn Trung Kiên, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cho biết: "Tôi có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Do đã có tìm hiểu và nắm bắt được quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên tôi chỉ ở nhà sử dụng máy tính là có thể hoàn thiện các thủ tục và chỉ chờ ngày trả kết quả. Cách làm này không chỉ rất thuận tiện đối với người dân chúng tôi mà còn giảm được chi phí đi lại và thời gian rất nhiều."
Theo thông tin từ Cục Tin học Hóa, tỉnh Ninh Bình là một trong số các địa phương hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, thuộc nhóm các địa phương đi đầu trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã cung cấp 1.560 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, trong đó có 1.251 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 65,66%. Bên cạnh đó, 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được tin học hoá cung cấp công khai trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh, tích hợp, công khai 799 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bài cuối: Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân