Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Trần Phú Hà nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 09, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế… phát triển nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; vai trò của các linh mục, chức sắc được coi trọng, phát huy tốt. Các tổ chức tôn giáo ngày càng tin tưởng, gắn bó và đồng hành với cấp ủy, chính quyền các cấp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị cấp ủy chính quyền, các ngành, đoàn thể và Công an các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào tôn giáo. Cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong xây dựng phong trào, nhằm tạo ra thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, bảo đảm tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách tôn giáo, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào công giáo.
Lực lượng Công an phát huy tốt vai trò tham mưu và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng công giáo; chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ kế hoạch, giải pháp để duy trì và phát triển phong trào liên tục, đi vào chiều sâu. Các chức sắc, chức việc, giáo dân là nhân tố tích cực, có trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, tham gia tích cực, tiên phong phong trào mô hình tự quản về an ninh trật tự tại cơ sở, chung sức đồng lòng cùng nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Hội nghị đã nghe đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế tại cơ sở trong quá trình thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo. Theo các đại biểu, việc thực hiện quy định của pháp luật nhất là Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng của bộ phận chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo có nơi, có lúc, có thời điểm còn chưa đầy đủ, đúng quy định dẫn đến sai phạm.
Một bộ phận chức sắc, chức việc chưa thực sự tâm huyết trong xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến tự quản an ninh, trật tự nên phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển chưa đồng đều, bền vững. Hoạt động của một số mô hình tự quản có thời điểm chưa duy trì thường xuyên; việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phát huy hiệu quả chưa đạt yêu cầu. Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo chưa được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Ở nhiều cơ sở, đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, tổ chức xã hội và một số cán bộ đảng viên nhận thức về công tác tôn giáo còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến tôn giáo và công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng…
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác tôn giáo và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng tôn giáo; quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện chưa thực sự quyết liệt, còn gián đoạn, hình thức. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cán bộ, đảng viên, chức sắc, chức việc và giáo dân chưa tiến hành đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả hạn chế. Kinh tế, xã hội ở vùng giáo còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, giác ngộ chính trị của quần chúng còn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, tỷ lệ tăng dân số còn cao. Sự phối kết hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào chưa thực sự chặt chẽ, còn thiếu kế hoạch tổng thể, phân công chưa rõ ràng dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm…
Thanh Hóa có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành và đạo Cao đài với khoảng 350.000 tín đồ, chiếm khoảng 8,5% dân số; 420 chức sắc, 1.406 chức việc, gần 400 tu sỹ, 525 cơ sở tôn giáo, 123 tổ chức tôn giáo trực thuộc. Nhưng ở tỉnh còn có khoảng 1.350 người tham gia sinh hoạt theo hội, nhóm có dấu hiệu mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp đến an ninh trật tự...
Dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen tặng 52 tập thể, cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trao Giấy khen tặng 42 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào tôn giáo.