Hải Dương tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số
Tại Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại “phương thức sản xuất số”, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo báo cáo sau 3 năm, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu với 12/14 chỉ tiêu hoàn thành; tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hải Dương nhiều năm liền thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Dương ước đạt 17,5%. Toàn tỉnh hiện có 323 doanh nghiệp công nghệ số, 2.026 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Địa phương hiện có 172.727 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số...
Tỉnh có 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng ứng dụng VNeID và Căn cước công dân gắn chíp trong đăng ký khám, chữa bệnh, tra cứu thông tin Thẻ bảo hiểm y tế; 853 trường học, cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản lý khoản thu và thanh toán không dùng tiền mặt. Mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 96%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 96,%.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, các chính sách liên quan và cách thức tham gia của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số; tập trung đào tạo cho lãnh đạo, cán bộ, công chức về kỹ năng số, ứng dựng công nghệ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt dự án công nghệ thông tin để sớm đưa các giải pháp, thiết bị công nghệ vào hoạt động; triển khai các giải pháp và dự án trọng điểm. Đồng thời, tổ chức triển khai quy hoạch ngành thông tin và truyền thông trong Quy hoạch tỉnh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Nghị quyết 06. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh Hải Dương ban hành quy định về vị trí việc làm, thu hút nhân tài công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng; đồng bộ Hệ thống thông tin một cửa với phần mềm chuyên ngành của các cơ quan liên quan; đổi mới hoạt động của Trung tâm một cửa cấp huyện, xã...
Long An: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Ngày 5/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An (khóa XI) tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để thảo luận và thông qua dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024; dự thảo nghị quyết Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; dự thảo Chương trình làm việc của Tỉnh ủy năm 2025 và cho ý kiến một số nội dung theo thẩm quyền.
Theo đó, Hội nghị thống nhất 18 chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025. Trong đó, tỉnh tập trung quán triệt và thực hiện mạnh mẽ quan điểm “đổi mới tư duy, lề lối làm việc, cách nghĩ, cách làm”; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất, vì mục tiêu nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. Địa phương tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án quan trọng phục vụ sản xuất, lưu thông...
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được yêu cầu, năm 2025, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án quan trọng phục vụ sản xuất, lưu thông; tăng cường công tác phối hợp 3 lực lượng trong đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Tỉnh khẩn trương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị thuộc trường hợp sắp xếp phải chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng quy chế làm việc để đảm bảo vận hành ngay.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh phục hồi tích cực, ước đạt 8,3%; thu ngân sách Nhà nước đến nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch (thuộc nhóm đầu cả nước); công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch đề ra (đạt 116,3% kế hoạch). Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời (đã hoàn thành sửa chữa, xây dựng 219 căn nhà tình nghĩa)…
Cần Thơ quyết tâm kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ (mở rộng) tổng kết công tác năm 2024, triển khai nghị quyết nhiệm vụ năm 2025, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, chủ đề năm 2025 của Thành ủy Cần Thơ là “Quyết tâm thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025”.
Theo Bí thư Thành ủy, trong năm 2025, các ngành các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ của XIV của Đảng.
Đặc biệt, Thành ủy Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo đó chủ động đề xuất việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy địa phương mình trước ngày 11/12/2024 để Thành ủy tổng hợp báo cáo về Trung ương trong tháng 12. Từng cấp, từng ngành phải bám sát kế hoạch để tổng kết, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng tiến độ hướng tới hoàn thành tiến độ báo cáo Trung ương phương án sắp xếp hệ thống chính trị trong quý 1/2025. Chấp hành nghiêm việc dừng tuyển dụng cán bộ công chức mới, ngừng điều động, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cơ quan đơn vị đã có chủ trương sắp xếp.
Theo ông Lê Tấn Thủ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, dự kiến sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, thành phố Cần Thơ sẽ giảm ít nhất 19 tổ chức cơ quan, đơn vị gồm một cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy; 5 Sở, 3 Ban Cán sự đảng; 8 Đảng đoàn và 2 Đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Thành ủy cũng đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sắp xếp một số sở ngành đảm bảo tinh gọn, kết thúc những cơ quan, đơn vị hoạt động kém hiệu quả, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ cần thiết…
Theo báo cáo năm 2024, Cần Thơ nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt 16/19 chỉ tiêu đề ra. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tiếp tục được quan tâm chú trọng; Tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 7,12%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 126.8,80 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; Thu ngân sách cơ bản đảm bảo tiến độ chung...
Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thành phố. Tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn được giữ vững ổn định. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chú trọng thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện tốt, đúng quy định…