Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Hà Nam, năm 2016, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Măt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả khá toàn diện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở có chuyển biến rõ nét.
Việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị một cách thiết thực, cụ thể. Công tác xây dựng và thực hiện dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp bước đầu được quan tâm triển khai thực hiện và có chuyển biến tích cực, tạo quan hệ đồng thuận, hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh, đổi mới phong cách lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động; khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch cửa quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở tại Hà Nam còn tồn tại một số hạn chế như: Việc quán triệt triển khai kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” , Chỉ thị số 04 – CT/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về “ Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”’; công tác chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, đơn vị còn chậm. Vai trò của tổ chức công đoàn, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số đơn vị còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp Nhà nước còn gặp khó khăn, các chủ sử dụng lao động chưa thường xuyên tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động còn thấp.
Tỉnh Hà Nam đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp Lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn phù hợp với tình hình hiện nay; trong đó, phần chế tài xử lý các vi phạm cần cụ thể hơn. Điều 16 của Pháp lệnh 34 quy định việc ký ban hành quyết định công nhận hương ước, quy ước nên ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã ký sau khi đã có thẩm định của các phòng chuyên môn cấp huyện. Nghiên cứu ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định rõ việc thực hiện dân chủ cơ sở cả 3 loại hình: xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp. Tỉnh Hà Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ Trung ương ban hành quy định thống nhất về cơ chế, chính sách, kinh phí hoạt động cho các Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ từ tỉnh đến cơ sở.
Tại hội nghị, các thành viên trong đoàn kiểm tra, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tỉnh Hà Nan đã thảo luận, trao đổi làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế cần khắc phục, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Hà Nam, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh. Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, quy chế dân chủ cơ sở theo các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã được Hà Nam triển khai tương đối bài bản, có hiệu quả tích cực; tại tỉnh không có nghỉ việc tập thể; trong xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; quá trình thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, giải phóng mặt bằng đã có cách làm hài hòa, biết vận dụng linh hoạt tất cả các cơ chế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ Hà Nam cần tiếp tục đưa Chỉ thị 30 vào cuộc sống, thể chế hóa Chỉ thị cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Tỉnh cần quan tâm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phải phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cần hết sức quan tâm đến loại dân chủ trực tiếp, loại dân chủ đại diện phải đại diện thực sự cho tiếng nói của người dân.