Hội nghị diễn ra trong thời điểm rất có ý nghĩa: Tròn 60 năm xây dựng và phát triển công tác đảng ngoài nước; là hội nghị đầu tiên sau khi hợp nhất Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao (26/11/2019); đồng thời quán triệt, triển khai những nội dung rất quan trọng của Hội nghị công tác đối ngoại toàn quốc và Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị do Bộ Chính trị vừa tổ chức.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương, ghi nhận thành tích mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đạt được trong những năm qua. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (năm 2018) đến nay, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ sau khi có quyết định của Bộ Chính trị về việc hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao, bảo đảm ổn định, hệ thống tổ chức không bị gián đoạn hoạt động. Đảng bộ luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng phát triển đảng viên ở ngoài nước.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam nước ngoài có nhiều đổi mới; kịp thời chuyển tải thông điệp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đến các đối tác quan trọng và bạn bè quốc tế. Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Nổi bật là đã kịp thời nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin chiến lược, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là Biển Đông; củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống, đối tác quan trọng khác; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021; kết hợp chặt chẽ công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại; đẩy mạnh ngoại giao vaccine phục vụ chống dịch COVID-19; thu hút nguồn lực để phát triển đất nước... Các cấp ủy đảng ngoài nước đã vận động kiều bào ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch trong nước...
Với những kết quả đã đạt được, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng ngành Ngoại giao phải sớm triển khai cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, vì khát vọng, mục tiêu, tầm nhìn phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Đề nghị tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức, nhất là đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là 'then chốt của then chốt', có ý nghĩa quyết định mọi công việc của toàn ngành. Do đó, phải chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín, phong cách; hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách ngoại giao Hồ Chí Minh; luôn tỉnh táo, chủ động phòng ngừa không để 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa', tham nhũng, tiêu cực".
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng, phù hợp với đặc thù của công tác đối ngoại, nhất là hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên ngoài nước. Theo đó, công tác đảng ngoài nước là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống tổ chức của Đảng, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt của Trung ương từ trong nước ra ngoài nước; không ngừng chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng; phát huy và làm tốt vai trò, trách nhiệm của "đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong và ngoài cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tuân thủ pháp luật và tôn trọng phong tục, tập quán sở tại; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan đại diện; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh" (tại Quy định số 43-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, nhiệm vụ của Đảng bộ, Chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy Bộ Ngoại giao).
Nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Trong môi trường hoạt động ở ngoài nước, xa cấp trên, ý thức 'tự kiểm tra', 'tự giám sát', 'tự tu dưỡng', 'tự soi', 'tự sửa' của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên rất quan trọng để kịp thời phát hiện từ nội bộ, chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Cùng với đó phải tăng cường công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước 'từ sớm, từ xa'", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung vận động, tập hợp các tổ chức quần chúng, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, chăm lo cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó, tình cảm đoàn kết giữa đảng viên, quần chúng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của kiều bào; khơi dậy và tập hợp mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực to lớn của cộng đồng, tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng ổn định và phát triển, tiếp tục làm cầu nối vững chắc góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, ngành Ngoại giao cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu cho Đảng về công tác đảng ngoài nước; đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề mới đặt ra cho công tác đảng ngoài nước thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Khẳng định nhiệm vụ càng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm càng cao, càng phải bản lĩnh, kiên định về lập trường, đoàn kết, thống nhất trong hành động và chặt chẽ về tổ chức, kỷ luật, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang 76 năm của ngành Ngoại giao và 60 năm công tác đảng ngoài nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác đảng ngoài nước của ngành Ngoại giao thời gian tới sẽ giành được nhiều kết quả quan trọng, đạt được yêu cầu của Kết luận 21 đã đề ra, tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.