Đây là đề xuất của nhiều đại biểu khi trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 6 ngày 30/10 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới. Qua quá trình giám sát phát hiện vấn đề vướng mắc, tồn tại và những ưu, khuyết điểm của các chương trình để góp phần cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
"Việc giám sát này rất hiệu quả, thể hiện tinh thần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, làm sao để 3 chương trình được vận hành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới", đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, qua giám sát cho thấy, kết quả giải ngân 3 chương trình còn ở mức khiêm tốn. Đây là vấn đề lớn đặt ra, đòi hỏi Quốc hội cùng Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ.
Báo cáo của Đoàn Giám sát chỉ rõ: Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cả 3 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Đến 31/1/2023, vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp chỉ đạt 7,82% kế hoạch). Giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách. Bối cảnh thực hiện 3 chương trình gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn chặt với đời sống người dân, cộng đồng đặt ra yêu cầu khó. Phạm vi thực hiện, địa bàn rộng, đối tượng phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chưa tiếp cận được theo hướng này. Việc cụ thể hóa yếu tố đặc thù theo tinh thần nghị quyết Quốc hội chưa được bảo đảm đầy đủ. Việc thể hiện nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, tập trung trọng tâm, trọng điểm cũng chưa thật sự được thể chế hóa trong các văn bản, chính sách cụ thể. Công tác phối hợp chưa thực sự tốt...
Ngoài ra, việc phân bổ vốn chưa hợp lý, có tỉnh không có nhu cầu nhưng vẫn được phân bổ. Phần quy định vốn đối ứng bắt buộc các địa phương phải thực hiện trong khi các tỉnh nghèo rất khó bố trí… Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần bàn bạc, tìm ra giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) chỉ rõ, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều rất quan trọng, nhân văn, thể hiện ưu việt của chế độ ta. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai 3 chương trình này. Bên cạnh kết quả tích cực, việc thực hiện 3 chương trình cũng nổi lên một số khó khăn mà khó khăn lớn nhất là việc giải ngân vốn đang rất chậm. Thủ tục giải ngân đối với các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các mục tiêu đặt ra. Một số mục tiêu chưa thực sự phù hợp, chưa sát với thực tế hiện nay. Trình độ quản trị, quản lý của các địa phương cũng còn hạn chế nhất định. Đặc biệt, còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện Chương trình...
Đại biểu Võ Mạnh Sơn chỉ rõ, thời gian tới, Chính phủ cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn. Bản thân mỗi địa phương, các tỉnh, thành cần có biện pháp linh hoạt trong tổ chức thực hiện, khi có khó khăn thì đề xuất kịp thời với Trung ương để tháo gỡ.
Các đại biểu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn...