Tại phiên tòa chiều 13/12 xét xử nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trước Tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Bị cáo Dương Chí Dũng đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, tuyên bị cáo Dương Chí Dũng mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) cũng bị Viện Kiểm sát đề nghị tổng hợp mức án là tử hình với cùng hai tội danh như Dương Chí Dũng.
Cũng với cáo buộc về hai tội danh này, các bị cáo: Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) bị đề nghị tổng hợp mức án hai tội danh là từ 22 - 24 năm tù; Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) bị đề nghị tổng hợp mức án là từ 28 - 30 năm tù.
Ở nhóm tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, công tố viên cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) mức án đối với mỗi bị cáo từ 6 - 8 năm tù; Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines) từ 8 - 10 năm tù.
Cũng về tội danh này, 3 bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, Khánh Hòa gồm: Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức cùng bị đề nghị mức án mỗi bị cáo từ 6 - 8 năm tù.
Ngoài án phạt tù, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều liên đới bồi thường số tiền đã tham ô là hơn 28 tỷ đồng. 10 bị cáo trong vụ án liên đới chịu trách nhiệm bồi thường tổng số tiền cố ý làm trái là hơn 3 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát luận tội, tại phiên tòa, hai bị cáo Dũng và Phúc không ăn năn, hối cải, nên phải tăng nặng hình phạt. Bị cáo Chiều và Loan đã nhận thấy sai phạm của mình, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với hai bị cáo này.
Bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines đứng trước vành móng ngựa . Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Cũng theo Viện Kiểm sát, tại phiên xử, ba bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, Khánh Hòa gồm: Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức đã đồng loạt thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào bản Kết luận giám định ngày 26/9/2013, Giám định viên tư pháp kết luận: “Tính đến thời điểm Vinalines làm thủ tục hải quan nhập khẩu (tháng 6/2008), tuổi của ụ là 43 năm; ụ nổi 83M không phù hợp về độ tuổi tàu biển được phép nhập khẩu theo quy định”.
Đồng thời, xét theo các quy định của Luật Hải quan, Bộ luật Hàng hải năm 2005, Nghị định ngày 18/5/2005 của Chính phủ… đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: Khi thông quan tại cảng Vân Phong (Khánh Hòa), kiểm tra thực tế thấy ụ nổi đã hư hỏng, cũ nát, nhiều thiết bị không hoạt động được, ụ bốc mùi hôi thối... không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng 3 bị cáo trên đã không ghi vào biên bản mà ghi theo kê khai của Vinalines. Hành vi này của 3 bị cáo trái quy trình thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho Dũng, Phúc và các đồng phạm trong việc nhập khẩu ụ nổi 83M trái với quy định, gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Trong phần luận tội các bị cáo, công tố viên nhấn mạnh: Trong khi Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có Quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dương Chí Dũng đã ký quyết định “Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt 1 ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn”.
Triển khai dự án, Vinalines không thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu năm 2005 mà chỉ dựa trên cơ sở thư chào bán ụ nổi của công ty Addpower Ventures Private Limited – Singapore (viết tắt là công ty AP). Để đủ điều kiện về đối tượng điều chỉnh của Nghị định ngày 18/5/2006 của Chính phủ quy định về điều kiện nhập khẩu tàu biển, trên cơ sở chỉ đạo của Dũng và Phúc, Chiều và Sơn đã hợp pháp hóa các thông tin về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế để Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi 83M của công ty AP với tổng giá trị đầu tư là hơn 14 triệu USD.
Hai năm sau, Dũng lại tiếp tục ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư mua ụ nổi 83M là 26,3 triệu USD để bổ sung thêm tiền sửa chữa ụ nổi cũ nát, hư hỏng nặng này.
Trong thương vụ này, tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M của công ty Nakhodka, Liên bang Nga là dưới 5 triệu USD, nhưng ngày 15/2/2008, Dương Chí Dũng vẫn ký quyết định phê duyệt điều chỉnh phương thức đầu tư dự án mua ụ nổi 83M của công ty AP với giá mua là 9 triệu USD.
Viện Kiểm sát xác định: Hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho Vinalines 366.930.032.432 đồng. Trong số tiền thiệt hại này, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Ngày mai, phiên tòa được tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư và các bị cáo.
Kim Anh