Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội thảo và Hội nghị.
Chương trình Hội nghị và Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, diễn ra trong 1 ngày. Ngoài điểm cầu chính tại Ban Kinh tế Trung ương, các điểm cầu tại thành phố Cần Thơ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là các điểm cầu tại 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tại một số Viện nghiên cứu, trường Đại học, tổ chức quốc tế.
Phiên Hội thảo buổi sáng với chủ đề "Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học, một số tập đoàn kinh tế và một số tổ chức quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, có vị trí địa chính trị và an ninh quốc phòng hết sức quan trọng, là đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, vựa lúa của cả nước, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của hơn 17 triệu đồng bào dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm,...
Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010. Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của Vùng, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp; các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là với đồng bào Khmer và nhân dân vùng ngập lũ; phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng vững chắc”.
Ngày 14/8/2012, sau khi tiến hành sơ kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020.
Sau 18 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vùng đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước; góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đã cơ bản giải quyết được bức xúc của nhân dân. Các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW đã cơ bản hoàn thành.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số vào nội dung quan trọng, trong đó làm sâu sắc hơn các kết quả đạt được trong 18 năm qua (giai đoạn 2003 - 2021), những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng; nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả và khả năng hấp thụ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Vùng.
Bên cạnh đó, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các bộ ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện. Đồng thời dự báo về bối cảnh mới trong nước, quốc tế tác động tích cực, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng trong thời gian tới; các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương, ngành trong phát triển để tối ưu hóa các nguồn lực của Vùng...
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá: Nghị quyết 21-NQ/TW đã đi vào cuộc sống; tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các đại biểu đã trao đổi làm sâu sắc hơn về những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển Vùng thời gian qua, chỉ rõ những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn” về chính sách để thu hút nguồn lực nhằm khai thác các tiềm năng về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó chỉ ra các cơ hội và thách thức cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, làm rõ hơn về các tiềm năng, lợi thế của Vùng như: công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế biển, chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ thương mại, logicstics,...
Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất cao đề nghị Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra chiều 10/12, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích rõ hơn bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó chỉ ra các cơ hội, thách thức cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới. Nhiều ý kiến chỉ rõ cần thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, phân bổ và thu hút nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông,… Các đại biểu cũng cơ bản thống nhất với Dự thảo Báo cáo tổng kết do Tổ Biên tập Đề án đưa ra và thống nhất cao với đề xuất đề nghị Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tất cả ý kiến sẽ được Ban Chỉ đạo tiếp thu, ghi nhận và chắt lọc để bổ sung, chỉnh sửa vào Báo cáo tổng kết cũng như Dự thảo Nghị quyết mới trình Bộ Chính trị tới đây.