Tại buổi thảo luận ở tổ sáng ngày 29/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá IV, góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Hiện nay Quốc hội đang họp hai kỳ/năm. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án Luật của các ngành, các địa phương, các Uỷ ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành bốn kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách”.
Hiện nay, cơ cấu của đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm, nên công việc chuyên môn nhiều. Việc thiết kế bốn kỳ họp/năm, mỗi kỳ ngắn hơn sẽ giúp các đại biểu có thời gian kết hợp cả công việc chuyên môn và công việc Quốc hội, giảm bớt việc đại biểu phải họp Quốc hội mà không giải quyết được công việc.
Góp ý về vấn đề tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng: “Cần có cơ chế 'mở' để thu hút những người giỏi tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Chúng ta đang mặc định đại biểu Quốc hội chuyên trách là công chức, song có nhiều người là luật sư, trí thức, doanh nhân giỏi… đang làm ở khu vực tư nhân, hội tụ đủ các yếu tố về phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tính đại diện, mong muốn được làm đại biểu Quốc hội chuyên trách... thì liệu có mở cửa được cho họ không? Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về đại biểu Quốc hội, có cơ chế không bắt buộc đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là công chức và có chính sách hợp lý để thu hút những người giỏi tham gia công việc này”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất: "Để thu hút người tài, người có khả năng tham gia là đại biểu Quốc hội chuyên trách, nên có chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để người tài phát huy tài năng, sáng tạo, đóng góp trí tuệ cho Quốc hội. Trong Luật sửa đổi có nêu, đại biểu Quốc hội ở các địa phương chịu sự quản lý của chính quyền địa phương là chưa hợp lý. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, mà các đại biểu lại chịu sự quản lý của địa phương, nơi mình làm đại biểu Quốc hội, thì khó phát huy được hết tính năng động, sáng tạo. Chưa kể, lương của đại biểu Quốc hội cũng không thể phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương là phải do Văn phòng Quốc hội quản lý”.