Làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua các hội nghị và thức tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện. Không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...
Bà Hoa đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Để tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội nêu ý kiến cho rằng không nên quyết định hạn mức bằng 15 lần giao đất mà theo nhu cầu, dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận.
Nêu ý kiến về Điều 78 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, bà Hoa cho rằng, cần quy định rõ thành 3 nhóm thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể, nhóm 1: Thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; Nhóm 2: Thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại; Nhóm 3: Thu hồi đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho rằng, việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ nông dân không mang tính các công trình trọng điểm, mà mang tính thương mại, dịch vụ giao cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì giá đất này phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất.
Hiện nay xảy ra việc nhà nước thu hồi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại, dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp (theo giá quy định của nhà nước giao cho tư nhân), khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại thì giá rất cao, gấp từ 5 - 7 lần với giá thu hồi. Bên cạnh đó, các diện tích khác trong khu vực thu hồi thường có dư diện tích từ 5-10% tổng diện tích là quỹ đất khác song các doanh nghiệp, nhà đầu tư đương nhiên được sử dụng không phải trả tiền thuê đất cho tập thể và cá nhân có đất bị thu hồi; từ đó nhà đầu tư "lợi đơn lợi kép"...
Phát huy nguồn lực đất đai
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân, quy định tại Điều 74 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp nhằm phát huy giá trị của đất, giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Bà Thanh Xuân đề nghị cần có giải pháp xử lý các dự án “treo” lâu năm.
Cụ thể, các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình; đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, Điều 74 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cân nhắc thời hạn 3 năm và nếu cần thiết nên rút ngắn thời gian để đảm bảo được cuộc sống của người dân ở nơi có quyết định thu hồi đất được ổn định và không làm xáo trộn cuộc sống.
Góp ý vào dự thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, luật hiện hành và cả dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người dân khi không chấp hành quy hoạch hay thu hồi đất, song lại chưa quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này. Vì không ràng buộc trách nhiệm cơ quan quản lý, thực thi một cách chặt chẽ nên sẽ tạo "kẽ hở" dẫn đến tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực đất đai.
Thực tế cho thấy, hầu như địa phương nào cũng có dự án “treo," nhất là đối với các dự án tại các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông khi hàng loạt doanh nghiệp “xin đất thực hiện dự án” nhưng lại chậm triển khai. Chính vì thế, việc mạnh tay xử lý đối với các dự án, quy hoạch “treo” đang là vấn đề ưu tiên của Chính phủ, các cấp bộ, ngành và địa phương.
Tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án “treo”…
Bên cạnh đó, Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành trước đó ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao," cũng cho thấy rõ quyết tâm của Đảng trong xử lý vấn đề này, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo động lực mới để phát triển.
Trong những buổi thảo luận lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gần đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc chuyển dịch đất đai luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lực lượng sản xuất. Vì thế, mục tiêu phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển…