Hội thảo nhằm khẳng định những đóng góp, cống hiến quan trọng của Ph.Ăng-ghen đối với quá trình hình thành, phát triển Chủ nghĩa Mác; khẳng định giá trị và sức sống thời đại của Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo là dịp các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách vĩ đại của Ph.Ăng-ghen cùng với những đóng góp to lớn của ông đối với học thuyết Mác. Trên cơ sở đó, tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Theo Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng, xuất phát từ thực tiễn và luôn gắn với thực tiễn, học thuyết Mác là học thuyết mở, mang tính lịch sử - cụ thể, luôn đòi hỏi phải sáng tạo và đổi mới trong vận dụng. Bản thân C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú. Chính Ph.Ăng-ghen đã từng lưu ý: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Đó chính là nguyên tắc và là phương pháp luận vững chắc, sắc bén để bảo vệ, đồng thời tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác trong bối cảnh mới.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hơn 170 năm qua, kể từ khi "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" ra đời, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, Chủ nghĩa Mác vẫn tồn tại, đứng vững và có sức sống mãnh liệt bởi đó là một học thuyết khoa học, nhân văn, phát triển và giải phóng con người, học thuyết luôn được bổ sung, hoàn thiện bởi những người mác-xít chân chính. Do đó, học thuyết Mác-Lênin tiếp tục là nền tảng tư tưởng cốt lõi để tư duy và định hình đường lối phát triển thích ứng với sự thay đổi, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới.
90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 35 năm qua, một lần nữa, khẳng định sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và do chính con người Việt Nam thực hiện.
“Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen, bằng luận giải sâu sắc những đóng góp, cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người, chúng ta càng kiên định, vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã lựa chọn; nâng cao trách nhiệm khoa học, tình cảm và sự ngưỡng mộ của những người đi theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, chỉ ra những cách hiểu sai, hiểu chưa đúng để bảo vệ giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết Mác-Lênin”, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cùng với 60 bài tham luận được gửi đến Hội thảo, các đại biểu dự Hội thảo đã đóng góp nhiều nội dung sâu sắc khẳng định vai trò to lớn của Ph.Ăng-ghen, người đã cùng với C.Mác sáng lập học thuyết Mác. Bằng những cách tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề, chủ đề độc lập khác nhau nhưng sự kỳ diệu là các ông đều đạt đến sự nhất quán về quan điểm, lý luận và phương pháp giải quyết những mâu thuẫn của xã hội đương thời. Thông qua những công trình lý luận đồ sộ, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác từng bước xây dựng một học thuyết khoa học mới. Tháng 2/1948, được sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác soạn thảo và công bố tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng trở thành khoa học.
Từ đây Chủ nghĩa Mác chính thức trở thành vũ khí lý luận khoa học sắc bén để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng bản thân mình và giải phóng toàn nhân loại.
Nhiều tham luận cùng phân tích, khẳng định những đóng góp, cống hiến to lớn của Ph.Ăng-ghen đối với các bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác như: Triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học....
Bàn về tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về giải phóng con người, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng cho biết, tư tưởng này được thể hiện ở 4 điểm nổi bật. Theo đó, con người là điểm xuất phát đồng thời là mục đích giải phóng trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Mục tiêu chung trong học thuyết của C.Mác nói riêng, của C.Mác và Ph.Ăng-ghen nói chung không có gì khác là giải phóng con người, xây dựng một xã hội mà ở đó con người là điều kiện cho sự phát triển tự do. Cùng với đó, tư tưởng giải phóng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, phát triển lực lượng sản xuất là tạo ra điều kiện tiền đề vật chất để thực hiện việc giải phóng con người khỏi nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng khẳng định: Giải phóng con người không thể tách rời môi trường xã hội lành mạnh có lợi cho con người phát triển. C.Mác và Ph.Ăng-ghen từng nói: Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh sẽ tạo ra con người như thế ấy”. Do đó, muốn giải phóng con người thì phải giải phóng con người khỏi hoàn cảnh không lành mạnh, không thuận lợi, từ đó xây dựng môi trường thuận lợi cho con người phát triển toàn diện. Đặc biệt, chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản, con người mới giải phóng được triệt để, toàn diện có đầy đủ tự do và điều kiện phát triển cá nhân.
Một số đại biểu cũng khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của Ph.Ăng-ghen không chỉ với tư cách là nhà bác học mà còn là lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cùng với đó, cuộc đời, sự nghiệp gắn kết giữa Ph.Ăng-ghen và C.Mác là mẫu hình sáng ngời về tình bạn, tình đồng chí, sự thủy chung, tinh thần cách mạng sáng tạo, nghị lực làm việc, đức khiêm tốn cũng như tinh thần hợp tác trong lao động khoa học và trong đấu tranh cách mạng.
Cũng như người bạn lớn, người đồng chí thân thiết của mình, Ph.Ăng-ghen đã từ bỏ tiền tài, địa vị, danh vọng để dâng hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ, nghị lực và trái tim của mình cho cuộc đấu tranh cách mạng chống áp bức, bạo tàn vì tự do, hạnh phúc của giai cấp công nhân và toàn nhân loại.
Vì vậy, đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới cũng như đối với Đảng, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam, cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Ph.Ăng-ghen luôn là nguồn cảm hứng cách mạng mãnh liệt. Di sản tư tưởng, lý luận của Ph.Ăng-ghen là ánh sáng soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.