Dịch COVID-19: Không để người dân 'đói cơm, lạt muối'

Làm nhanh gói hỗ trợ, không để người dân “đói cơm, lạt muối”- đốc thúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 khiến đồng bào cả nước thấy ấm lòng.

Bởi giải pháp vốn không có trong mọi kế hoạch này không chỉ là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn là thông điệp, sự khẳng định của Chính phủ về niềm tin “không để ai bị bỏ lại phía sau”, là động lực để tất cả đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn.

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XM/Báo Tin tức

Qua phương tiện truyền thông đại chúng có thể thấy người dân đang hồ hởi, đón chờ trợ giúp của Chính phủ. Như trường hợp chị Trần Thị Mỹ Loan, công nhân khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước- người được chủ nhà trọ và chính quyền địa phương chia sẻ gánh nặng trong mùa đại dịch, trong đó có giảm 50% giá tiền trọ trong tháng 4, hay trường hợp ông Hùng Vương, làm nghề xe thồ ở thành phố Buôn Ma Thuột được nhận nhu yếu phẩm miễn phí những ngày này. Họ đã chia sẻ rằng, rất cảm kích trước sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đối với những người yếu thế như họ. Việc hỗ trợ kịp thời đối với họ không chỉ có giá trị về mặt vật chất, mà còn là sự động viên to lớn về mặt tinh thần, tiếp thêm nghị lực để họ tiếp tục vươn lên sống tốt.

Có thể hình dung sự phấn khởi của người dân! Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đề xuất cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 có quy mô khoảng 61.580 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD. Ước tính sẽ có gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động, chia làm bảy nhóm đối tượng, được thụ hưởng. Trong bảy nhóm này, có sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay với lãi suất ưu đãi 0% để hỗ trợ người lao động. Dự kiến, hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Cùng trong thời gian này, hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng với các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; hỗ trợ một triệu đồng/người/tháng cho các đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, bị tạm ngừng kinh doanh.

Người sử dụng lao động cũng được phép vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong ba tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động…

Việc hỗ trợ thực hiện trên các nguyên tắc chủ yếu: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; đồng thời việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại.

Bên cạnh đó, cùng với việc sớm thông qua gói an sinh xã hội, ngành Điện lực và Viễn thông cũng sẽ có gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lên tới 27 nghìn tỷ đồng.

Tính đến sáng 7/4, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam ghi nhận 245 ca mắc, trong đó có 95 ca đã khỏi bệnh. Có thể thấy, dù vẫn trong tầm kiểm soát, song dịch COVID-19 đang tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân cả nước, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người có công, những người có thu nhập thấp, mất việc, thu nhập giảm sâu do dịch bệnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, một số đơn vị, doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Riêng tháng 1 và tháng 2/2020, cả nước có khoảng 10% doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất và tỷ lệ này tăng lên khoảng 15% vào tháng 3. Dự kiến sẽ có từ 250 đến 400 nghìn lao động bị mất việc làm, tùy vào mức độ bùng phát của dịch, áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Và nếu dịch tiếp tục kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội.

Vì thế, song song nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, việc bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân, tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ cấp bách, tối quan trọng. Trong bối cảnh đó, hàng loạt các biện pháp của Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là quyết sách phù hợp, kịp thời, có tính chất “một miếng khi đói bằng một gói khi no” cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 chính là thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ vì một xã hội đoàn kết, tương thân, tương ái, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Và như đốc thúc của người đứng đầu Chính phủ "phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn!".

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nhân dân Thủ đô đoàn kết, đồng lòng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19
Nhân dân Thủ đô đoàn kết, đồng lòng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 7/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ từ các đơn vị, tổ chức tôn giáo, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm với số tiền trên 10 tỷ đồng và các hàng hóa trị giá 162 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN