Dịch COVID-19: Ngày 7/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, 27 ca khỏi bệnh

Tính đến 18 giờ ngày 7/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới dịch COVID-19, nâng tổng số ca lên 249 người; trong đó có 156 người từ nước ngoài về (chiếm 62,6%) và 93 người lây nhiễm thứ phát.

Cũng trong ngày 7/4, Việt Nam có thêm 27 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Đã 3 ngày liên tiếp, Việt Nam cũng không ghi nhận ca mắc mới vào buổi sáng.

Khóa chặt nguy cơ lây bệnh bên ngoài

Trong những ngày qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực.  

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần và hiệu quả phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là của lực lượng y tế, quân đội, công an, thông tin và truyền thông; biểu dương các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã triển khai có kết quả việc giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt, những hành động chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.  

Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn toàn dân đã đồng lòng chia sẻ, nỗ lực khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc cách ly toàn xã hội, tuân thủ tốt các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và đã có nhiều đóng góp thiết thực, nhân ái, góp phần quan trọng vào kết quả khống chế dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong các ngày gần đây, số ca lây nhiễm mới ít, số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng nhiều, các bệnh nhân nặng có tiến triển tích cực. Chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là kết quả của sự đoàn kết, chung lòng của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn thể nhân dân, tạo thành phong trào rộng khắp cùng nhau đẩy lùi đại dịch, tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuyệt đối không chủ quan

Dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch triệt để ở trong nước, tích cực chữa trị cho người bị nhiễm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.  

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng yêu cầu người dân rửa tay bằng dung dịch khử trùng, góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh tại chốt kiểm soát tại xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Trong giai đoạn từ nay đến ngày 15/4, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ngành Y tế cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, giữ thế chủ động trong phòng chống dịch, thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau đây: Bám sát diễn biến tình hình dịch, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; nhất là phải truy vết, phát hiện sớm các ca nhiễm, nguồn lây bệnh có thể có từ các ổ dịch Bạch Mai (TP Hà Nội), quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh); tăng cường năng lực và đẩy nhanh việc xét nghiệm, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự đoán tình hình dịch, tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch bệnh về mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men…), tích cực hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, điều phối nguồn lực cho các các cơ sở y tế tại các địa phương, nhất là các vấn đề chuyên môn sâu về điều trị bệnh. Kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cần thiết.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ mới về vắc xin, thuốc, phương pháp điều trị mới điều trị COVID-19.

Thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, không để dịch bùng phát ở nước ta; chú ý đề phòng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các nơi thường có tập trung đông người như cơ sở tôn giáo, thờ tự, siêu thị, nơi công cộng…

Chú thích ảnh
Chiều 7/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long trao chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung cho 231 người từ Australia trở về Việt Nam. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh phương án về bệnh viện dã chiến và chương trình sản xuất máy thở phòng, chống dịch; Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất máy thở.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thông cơ sở, kể cả mạng xã hội trong việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này, tập trung thông tin, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện cách ly toàn xã hội, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; đồng thời tiếp tục phản ánh công khai, đầy đủ bức tranh toàn cảnh về phòng, chống dịch ở nước ta, nhất là tập trung đưa tin, cổ vũ những hành động, những tấm gương chia sẻ, hỗ trợ vượt khó; lưu ý bảo đảm an toàn cho lực lượng phóng viên tham gia tác nghiệp phòng, chống dịch, không để bị lây nhiễm bệnh.

Phong toả toàn bộ thôn Hạ Lôi liên quan đến ca bệnh số 243

Chiều 7/4, tại phiên họp thứ 31 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Đức Chung khẳng định: Cần kịp thời phong toả nơi ở của bệnh nhân số 243 dương tính với virus SARS-CoV-2 và uỷ quyền cho Chủ tịch huyện Mê Linh ra quyết định phong toả thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng/TTXVN phát.

Trước đó ngày 6/4, theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, qua xét nghiệm sàng lọc COVID-19, hồi 9 giờ 15 phút ngày 6/4 đã phát hiện thêm một người dương tính với virus SARS-CoV-2, từng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3.

Cụ thể, người được phát hiện dương tính là anh Q.Q.T, (47 tuổi, trú tại xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), đến khám điều trị ngoại trú tại Khoa Dị ứng miễn dịch Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/3. Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, bệnh nhân 243 có tiếp xúc với nhiều người tại địa phương, có tham gia các đám cưới, đám giỗ.

Trong quá trình sinh hoạt tại nhà, bệnh nhân cũng tiếp xúc với nhiều người trong gia đình và đến một số bệnh viện. Theo lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, tối 6/4, huyện đã khoanh vùng cách ly, lập các chốt cách ly vòng 1 cách gia đình bệnh nhân bán kính 200 m; chốt cách ly vòng 2 là toàn bộ thôn Hạ Lôi.

Căn cứ kết quả điều tra, huyện đề xuất khoanh vùng cách ly toàn xã, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không hoang mang và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Huyện cũng đã tổ chức thực hiện các biện pháp đáp ứng y tế tại ổ dịch như: Phun thuốc khử khuẩn, thu gom rác thải, giám sát sức khỏe, chăm sóc sức khỏe người dân. Đảm bảo các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cho người dân trong vùng cách ly.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh lúc này, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân, tuy nhiên còn những vấn đề khác phải tính đến, đó là: Xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời.

Chú thích ảnh
Tất cả người bán vé số lưu động tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đều nhận được tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN.

Chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới có cùng hành động là: Ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể; triển khai tất cả các biện pháp để giảm thiểu tối đa tác động của dịch; các quốc gia sử dụng tất cả các biện pháp, từ nới lỏng tiền tệ, tài khóa, tăng chi tiêu chính phủ, tới quản lý hành chính...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở 6 quan điểm của Chính phủ Việt Nam là: Xây dựng và tổ chức thực hiện ngay các chính sách; kịp thời hỗ trợ cuộc sống người lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, tiêu chí, cách làm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai và quản lý, giám sát; đồng thời, tăng cường phân cấp cho địa phương trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số.

Các mục tiêu các chính sách cần bao trùm và nhân văn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống gồm 4 đối tượng: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính sách hỗ trợ phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng (như tín dụng từ các ngân hàng chính sách, gói tín dụng ưu đãi) và khuyến khích người sử dụng lao động chi trả đủ lương theo đúng quy định cho người lao động có hợp đồng ký kết nhưng bị ngừng việc.

Việc này giúp doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động, sẵn sàng hoạt động bình thường trở lại khi dịch kết thúc, giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo lại lao động. Đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng trả lương (kể cả trong trường hợp sau khi được vay ưu đãi nêu trên), khuyến khích họ cam kết hoặc thỏa thuận với người lao động tạm ngừng, tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, không đuổi việc người lao động.

Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cuộc sống cho người lao động, khi có điều kiện, người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay.

V.Tôn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh
Dịch COVID-19: Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh

Chiều 7/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động của dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN