Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết: “Hôm nay các đơn vị tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phải họp rút kinh nghiệm về công tác phối hợp trong thời gian qua. Tuy nhiên, khâu làm thủ tục gọi hành khách ra ô tô để đưa về khu cách ly y tế tập trung vẫn còn hiện tượng ùn, gần 180 hành khách phải xếp hàng".
Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan kiểm dịch y tế, công an cửa khẩu, hải quan và cảng vụ hàng không phối hợp với đơn vị vận chuyển của quân đội thật chặt chẽ trong cung cấp thông tin chuyến bay hạ cánh, số lượng hành khách; đồng thời công an cửa khẩu và kiểm dịch y tế cần phân công lực lượng hợp lý, linh hoạt để rút ngắn thời gian hành khách xếp hàng không, không để hành khách phải chờ đợi.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, ngày 18/3, dự kiến số chuyến bay từ các nước về các cảng hàng không của VIệt Nam là 102 chuyến với 8.001 khách. Cụ thể, số chuyến bay từ các nước ASEAN về là 78 chuyến với 5.711 khách; Số chuyến bay từ các nước châu Âu về là 5 chuyến với 712 khách; số chuyến bay từ các nước vùng Trung Đông về là 5 chuyến với 661 khách; số chuyến bay từ khu vực Đông Bắc Á là 14 chuyến với 917 khách.
“Cũng theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cập nhật đến 17h30 ngày 18/3, lượng khách đi về từ các nước vào ngày 19/3 là 7.308 khách”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN chiều 18/3, tại khu nhập cảnh nhà ga quốc tế (nhà ga T2) sân bay quốc tế Nội Bài, hành khách xếp thành nhiều hàng đang chờ đến lượt khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Tuy nhiên so với sáng nay và các ngày trước đó lượng khách về chiều nay không quá đông. Dự kiến tối nay, hành khách từ các tuyến quốc tế về Nội Bài sẽ đông hơn.
Cụ thể, tại sân bay Nội Bài, một số khung giờ như 15 giờ chiều nay, không có nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh nên việc hành khách xếp hàng chờ kiểm tra thông tin diễn ra nhanh hơn. Lực lượng công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp. Hà Nội tiến hành phân loại từng trường hợp hành khách. Những trường hợp thuộc diện phải cách ly y tế 14 ngày theo quy định sẽ được đưa ra một cửa riêng để lực lượng chức năng tổ chức đưa về các khu cách lý y tế. Còn lại những trường hợp hành khách đủ điều kiện nhập cảnh không bị cách ly sẽ được xuống khu vực lấy hành lý để ra về.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hành khách sẽ được phát tờ khai ngay trên máy bay và thực hiện khai báo. Sau khi xuống sân bay, hành khách sẽ nộp tờ khai cho bộ phận kiểm dịch y tế, trường hợp nào chưa khai đầy đủ các mục thông tin thì được yêu cầu khai bổ sung.
Ngay sau khi khai báo tình hình sức khoẻ, nơi di chuyển với nhân viên y tế, các hành khách phải đi qua cửa kiểm tra thân nhiệt tự động. Tại đây, máy sẽ quét thân nhiệt của hành khách và đưa ra những chỉ số. Ngay sau đó, hành khách tiếp tục phải khái báo với thông tin tại quầy lấy mẫu xét nghiệm.
Vừa hạ cánh tại sân bay Nội Bài, em Trần Đinh Đan (Hà Nội) cho biết, đang chờ các thủ tục để đi cách ly y tế bắt buộc vì em đi từ Thụy Sỹ, quá cảnh tại Doha (Qatar) về Hà Nội.
Còn chị Trần Thị Mai (Hải Dương), về từ New Zealand, qua Malaysia vừa đáp chuyến bay xuống sân bay Nội Bài chia sẻ, chị vừa vào khu vực nhập cảnh thì được thông báo xuống khu vực lấy hành lý. Còn các bước tiếp theo đang chờ được các nhân viên tại sân bay hướng dẫn.
Về việc phối hợp tại sân bay Nội Bài, anh Dương Quốc Việt, nhân viên Đội An ninh trật tự ga quốc tế, Trung tâm An ninh hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, anh đã 5 năm đảm nhiệm việc tuần tra giám sát, khi có dịch COVID-19 được tăng cường hỗ trợ, giữ trật tự hành khách cách ly.
“Chưa khi nào anh em căng mình làm việc như hiện nay. Ngay ngày hôm qua 17/3, dự kiến chỉ đón 400 khách quốc tế, thực tế đã tiếp nhận trên 1.000 khách từ vùng dịch trở về. Do khách dồn về đông, phát sinh nhiều khâu: phân loại khách, hành lý, phục vụ các suất ăn trong lúc chờ khai báo y tế nên nhân viên của Cảng phải căng mình mới đáp ứng được”, anh Việt chia sẻ.
Cũng theo Việt, nhiều hành khách do quá cảnh nhiều nơi, bay nối chuyến chờ lâu nên xảy ra bức xúc, không hợp tác khiến nhân viên thêm áp lực. Do đó, chúng tôi mong muốn người dân khách nắm bắt và tuân thủ các quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và đồng hành với chính phủ, nhân dân Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, tránh có thái độ không đúng mực, bức xúc hay bất hợp tác với các lực lượng chức năng”, anh Việt cho hay.
Chị Nguyễn Thu Hằng, Đội phó đội Phục vụ khách đến, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, người dân về Việt Nam có lo lắng về việc thất lạc hành lý khi kiểm tra y tế, cách ly. Đây đúng là nhiệm vụ rất khó khăn bởi hầu hết các chuyến bay cách ly hoặc các chuyến phải cách ly cách ly một phần, việc tách hành lý cách ly rất mất thời gian.
Theo chị Hằng, ngoài thực hiện công việc chính là đảm bảo đón chuyến bay đúng giờ thì toàn đội (đều là nữ) phải bê hành lý đi soi, kiểm tra, phân loại… Mỗi chuyến bay phải cách ly tương ứng với số hành lý đội phải xử lý rồi vận chuyển theo lối yêu cầu, rất vất vả mới bàn giao được hành lý cho khách ra xe.
Trước mỗi chuyến bay, đội phải thực hiện việc kiểm tra hệ thống nắm được khách quá cảnh, khách từ vùng dịch về để phân loại trước. Ngoài việc ưu tiên hành lý cho những người phải đi cách ly, đội phải phối hợp với Cảng và hãng bay hỗ trợ thuê xe chờ hành lý về tận nơi cách ly (do xe quân sự không chở hết).
"Có lần về đưa khách về cách ly tại Sơn Tây, ở hai địa điểm khác nhau, quá giờ đêm phải liên lạc với rất nhiều nơi để được mở cửa cho vào, có nơi băng qua rừng lái xe không dám đi, không có người dẫn, nhân viên đội phải bố trí nhà nghỉ rồi nghỉ đến hôm sau mới nhờ người dẫn vào đến nơi cách ly. Tuy nhiên, tinh thần chống dịch, nhân viên trong đội vẫn đảm bảo đón chuyến bay đúng giờ và hoàn thành các nhiệm vụ khác”, chị Hằng chia sẻ.