Chỉ thị 40 đã trở thành một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, trở thành điểm tựa quan trọng trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Lợi ích thiết thực, cải thiện đời sống nhân dân
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bốn chị em của chị Nguyễn Thị Vĩnh An (phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đều được học đại học, ra trường có việc làm ổn định. Sau khi lập gia đình, chưa có tiền xây nhà, chị An chật vật thuê nhà ở. Ước mơ lớn nhất của chị lúc bấy giờ là có đủ tiền xây tổ ấm để hai con đỡ vất vả. Nhận được sự đồng hành, hỗ trợ cho vay vốn làm nhà của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến cuối năm 2019, chị An không giấu nổi niềm hạnh phúc khi các con được sống trong ngôi nhà vững chãi, ổn định, không còn cảm giác thấp thỏm, lo âu như trước.
"Trong chặng đường vượt khó của tôi, từ khi còn là học sinh, sinh viên cho đến khi là công chức thu nhập thấp, luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các gói vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng cứu cánh giúp tôi có cơ hội an cư lạc nghiệp", chị Vĩnh An chia sẻ.
Chị mong muốn, lãnh đạo Đảng, Chính phủ tiếp tục bổ sung nguồn vốn để nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như mình sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.
Không chỉ triển khai hiệu quả, trao nguồn vốn chính sách xã hội đến đúng đối tượng, một số địa phương có cách triển khai riêng, sáng tạo nhằm cụ thể chủ trương của Đảng, Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng Tháp là một trong những địa phương khó khăn trên cả nước với 19.077 hộ nghèo. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, địa phương đã lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 40 vào nội dung xây dựng nông thôn mới để cùng thực hiện mục tiêu giảm nghèo - một trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần "Trung ương và địa phương cùng làm", Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết, mô hình hoạt động ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của "Tổ tiết kiệm và vay vốn" giúp bộ máy quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương được tinh gọn, quản lý tốt nguồn vốn cho vay. Không những vậy, mô hình còn góp phần tăng thêm tinh thần đoàn kết, tính nhân ái, tình thương yêu, đùm bọc, gắn bó nghĩa tình làng xóm; giúp người dân hình thành thói quen tiết kiệm, tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương xuống còn 2,76% vào cuối năm 2019.
Tại Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đạt 4.047 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2014-2019 bổ sung 2.950 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã được triển khai 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn kịp thời.
Đến nay, trên 604.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội; trong đó có gần 193.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giúp 57.000 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo. Ngân hàng đã cho vay trên 235.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; giúp 17.600 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 281.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 4.069 căn nhà cho hộ nghèo...
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, những kết quả trên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (năm 2016) xuống còn 0,42% (năm 2019). Thành phố phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo. Những kết quả đã đạt được trong 5 năm đã khẳng định Chỉ thị 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội.
"Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống, được triển khai đồng bộ, bài bản, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ thành phố đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đặc biệt tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chỉ thị góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tác động tiêu cực của tín dụng đen", Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Không ai bị bỏ lại phía
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đạt 19.505 tỷ đồng. Vốn xã hội huy động đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị. Tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…
Bên cạnh đó, gần 346.000 lượt học sinh sinh viên được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội; hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn để tạo công ăn việc làm; khoảng 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động… Chính sách tín dụng xã hội trở thành trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng: phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.
Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Do đó, ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương, địa phương đã phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo sức lan tỏa, cộng đồng trách nhiệm rộng rãi trong xã hội.
Theo đó, sau khi Chỉ thị ban hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn, quán triệt và chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tập trung nâng cao chất lượng ủy thác, chỉ đạo kiểm tra, giám sát theo thoả thuận. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban cán sự Đảng các bộ xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội là hoạt động, nhiệm vụ thường xuyên.
Đồng thời, các Tỉnh, Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội sau khi Chỉ thị 40 ban hành. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội tiên phong vào cuộc với nhiệm vụ nhận ủy thác chủ động thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội ưu tiên triển khai Chỉ thị như một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và công tác dân vận ở cơ sở.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: "Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước. Đây là việc không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển, mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước ta".
Là hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đòi hỏi, nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả tín chương trình.
Trong thời gian tới, việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tiếp tục là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực con người, nguồn vốn địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.