Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Nguyễn Trần Tiến thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Phó Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Về phía Ấn Độ có ông Sanjeev Jain - Vụ trưởng Vụ phương Nam Bộ Ngoại giao, Giáo sư G. Jayachandra Reddy, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tiến sĩ Pankaj Jha - Đại học Jindal, Tiến sĩ Om Prakash - Đại học Delhi cùng nhiều quan chức, chuyên gia về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có chung mục tiêu là tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Hai nước coi trọng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, ủng hộ trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng phối hợp hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như từng làm trước đây tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các tổ chức khác. Bên cạnh những thuận lợi trên, Đại sứ khẳng định diễn đàn này là cơ hội để các chuyên gia, học giả nhìn lại những thành tựu mà quan hệ hai nước đạt được trong 50 năm qua, đồng thời tìm ra phương thức đưa quan hệ hai nước lên tầm cao hơn vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp theo phát biểu của Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ phương Nam Sanjeev Jain đã đánh giá cao những thành tựu mà hai nước đạt được trong 50 năm qua, đồng thời cho rằng hai nước sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ này và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, học giả đều nhất trí cho rằng hai nước Việt Nam - Ấn Độ có sự hội tụ đáng kể các lợi ích chiến lược: chia sẻ nhiều giá trị, có chung quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng thực hiện đường lối đối ngoại chiến lược tự chủ, đều coi nhau là đối tác ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của mình, đều là thành viên tích cực trong các cơ chế đa phương…
Theo các diễn giả, Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển hợp tác tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Để quan hệ đi vào chiều sâu và thực chất hơn, ngoài nỗ lực phát huy những thành quả mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua, các chuyên gia, học giả tham dự diễn đàn khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị - ngoại giao: hai nước cần thúc đẩy trao đổi đoàn ở tất cả các cấp và các chương trình hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, củng cố cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập trên các lĩnh vực, tiếp tục phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương…
Về an ninh - quốc phòng: hai nước cần mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác song phương, sản xuất quốc phòng, ưu tiên thúc đẩy hợp tác hàng hải… Về kinh tế - thương mại: Hai nước cần tận dụng mọi nguồn lực và tăng cường hợp tác để cùng nhau phát triển, củng cố và mở rộng các thỏa thuận hợp tác đầu tư song phương, đa phương, tăng cường kết nối toàn diện đường biển và đường không nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu kinh tế thương mại. Về văn hóa, du lịch: tăng cường quảng bá chéo các loại hình văn hóa, du lịch, không ngừng bảo vệ các giá trị liên kết văn hóa giữa hai nước, đơn giản hóa các thủ tục đi lại…
Sau 6 giờ thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Việt Nam, các diễn giả hai nước đã thể hiện được tâm huyết cũng như trách nhiệm và mong muốn chứng kiến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới.