Diện mạo mới trên quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Đồng chí Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Dục, sau đổi là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Diện mạo xã Hưng Thông, nơi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sinh ra ngày càng thay đổi, khởi sắc, các tòa nhà cao tầng, ngói đỏ mọc lên san sát, đời sống kinh tế của người dân ổn định. 

Bốn mươi tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt, đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Lê Hồng Phong là tấm gương sáng của một nhà hoạt động cách mạng quốc tế nhiệt thành, kết hợp nhuần nhuyễn Chủ nghĩa yêu nước chân chính với Chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902- 6/9/2022) là dịp để ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, với đất nước, quê hương cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; đồng thời ghi nhận những đổi thay trên quê hương của Tổng Bí thư, sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Thông nói riêng, huyện Hưng Nguyên nói chung trong xây dựng Đảng, phát triển triển kinh tế, xã hội.

Diện mạo mới trên quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, tự hào là nơi sinh ra Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Thông luôn cố gắng, nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt, đời sống kinh tế người dân ổn định.

Tại xã Hưng Thông, quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân địa phương đang dồn sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tận dụng tối đa nguồn lực, xã Hưng Thông đã làm mới và nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông, xây dựng trường học, Trạm y tế đạt chuẩn, khu thị tứ khang trang. Hiện 4/4 xóm được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, hệ thống đèn đường chiếu sáng và camera an ninh. Hưng Thông chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, từ đó đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định.

Ông Phạm Đức Hưng, xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông cho biết, những năm gần đây, xã có nhiều đổi mới, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đời sống nhân dân được nâng cao. Nhà cửa khang trang cùng những con đường được nâng cấp, bê tông hóa, đèn điện chiếu sáng đã tạo cho Hưng Thông diện mạo mới. Nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thông Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ, với niềm tự hào là quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, xã chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền để nhân dân hiểu về truyền thống cách mạng và khơi dậy lòng tự hào, khích lệ khát vọng vươn lên của nhân dân trong giảm nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 187,1 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%; tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt ,307 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định.

Chú thích ảnh
Hệ thống đường giao thông, đèn đường tại xã Hưng Thông (Nghệ An) được đầu tư, nâng cấp, tạo diện mạo mới trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Thông Lê Văn Thìn cho biết, toàn xã hiện có 349 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ. Trong 5 năm qua, Đảng bộ xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng năm, trên 80% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, xã tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn, mục tiêu đến năm 2023, Hưng Thông được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ và chính quyền xã Hưng Thông đang tích cực cụ thể hóa các nghị quyết đến cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên vận dụng vào thực tế phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó là nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn để làm nòng cốt lôi cuốn bà con thực hiện theo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Lê Văn Thìn, thuận lợi nhất của địa phương hiện nay là sự đồng thuận của cản bộ, đảng viên và người dân. Những năm qua, người dân đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, tư tưởng của người dân đã ngày càng tiến bộ, không có tâm lý trông chờ, ỷ lại.

"Phát huy mặt đạt được, khắc phục khó khăn, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn tại địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm phát triển toàn diện trong năm năm tới, xây dựng Hưng Thông ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước", Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Thông Lê Văn Thìn khẳng định.

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hưng Nguyên chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc đưa các giống có năng suất cao vào sản xuất. Bước đột phá của Hưng Nguyên là sản xuất nông nghiệp sạch bằng việc trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP. Huyện đã xây dựng một số vùng sản xuất rau an toàn, đưa nhiều giống cây có giá trị cao vào sản xuất tại các xã Hưng Long, Hưng Khánh, Hưng Tân.

Huyện đang hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm. Vùng phía Bắc gồm 3 xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc chú trọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng trung tâm gồm các xã Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Hưng Mỹ, Hưng Tân, Hưng Nghĩa, Hưng Thông và thị trấn Hưng Nguyên ưu tiên phát triển kinh tế tổng hợp. Vùng phía Nam gồm 7 xã ven sông Lam tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp.

Ngoài những mô hình trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, Khu công nghiệp VSIP với diện tích hàng trăm héc-ta đến nay đã có 22 dự án đầu tư đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế trên địa bàn, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 14%, góp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các huyện phụ cận. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, Hưng Nguyên đã huy động hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống người dân được nâng lên. Đến nay, huyện đã có 16/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Sản xuất nông nghiệp được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương xã Hưng Thông, quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 

Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Nguyễn Thị Thơm cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ, nhân dân của huyện đã đoàn kết một lòng, tập trung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai. Đặc biệt, địa phương phát huy tối đa nội lực, tích cực, chủ động tranh thủ ngoại lực, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hưng Nguyên đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023.

Theo Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân từ 9-10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,3%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn mới khởi sắc rõ nét.

"Viết tiếp truyền thống cách mạng trên quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, noi gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người dân Hưng Nguyên hôm nay luôn tự hào về truyền thống cha anh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, tạo bước chuyển trên các lĩnh vực, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh", Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Nguyễn Thị Thơm nhấn mạnh.

Tá Chuyên (TTXVN)
Tưng bừng lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tưng bừng lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9 hằng năm, người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại hào hứng, náo nức tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc Lập trên dòng sông Kiến Giang. Đây là một lễ hội lớn, một nét đẹp văn hóa đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN