Bộ Nội vụ vừa ra Thông tư 08/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ nâng lương trước thời hạn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc và đối tượng nhận được thông báo nghỉ hưu. Các chuyên gia cho rằng, chính sách này có tác dụng động viên, khuyến khích và chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Theo Bộ Nội vụ, từ 15/9, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định nâng bậc lương trước thời hạn cho những đối tượng lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tỉ lệ người được nâng lương trước thời hạn thuộc diện này trong một năm chiếm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thông tư cũng quy định rõ, không thực hiện hai lần liên tiếp nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh. Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên; 4 năm gần nhất đối với các ngạch, chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn. Trong trường hợp có nhiều đối tượng có thành tích bằng nhau thì xét đến các thành tích khác.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trước đây, tỉ lệ người được nâng lương trước thời hạn thuộc diện có thành tích xuất sắc chiếm không quá 5%. Nay tỉ lệ này được nâng lên 10%. Rõ ràng với quy định mới này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có nhiều cơ hội được nâng lương hơn. “Chính sách này tạo động lực khuyến khích người lao động hăng say trong công tác, thi đua để đạt được thành tích xuất sắc, đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị” - ông Điều nhận định.
Chị Vũ Thu Trang, công chức thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc tăng tỉ lệ tối đa lên 10% hợp lý hơn so với mức 5% trước kia. Bởi thực tế có khi trong một đơn vị lại có nhiều người đạt được thành tích xuất sắc. Nếu giữ ở mức 5% như trước đây thì có nhiều người sẽ bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, rất khó có thể nói tỉ lệ 10% là hợp lý hay chưa bởi thực tế có nhiều người lạm dụng quy định tăng lương trước thời hạn, rồi có tình trạng nể nhau, tự đẩy nhau lên xuất sắc để được tăng lương. Như vậy, sẽ có người bị thiệt. Ngoài ra, còn có chuyện tại không ít các cơ quan, đội ngũ lãnh đạo đều thuộc diện đạt thành tích xuất sắc, mà tỉ lệ lãnh đạo lại chiếm trên 10% rồi. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan, đơn vị phải kiểm soát được vấn đề này; từ đó, tạo sự công bằng cho tất cả mọi người trong cơ quan, đơn vị khi bình xét lên lương trước thời hạn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, chế độ nâng lương trước thời hạn còn được thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu. Theo đó, những đối tượng đã có thông báo nghỉ hưu, nếu trong thời gian giữ bậc đạt đủ 2 tiêu chuẩn để nâng lương thường xuyên, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng.
Theo ông Điều, chính sách này rất có lợi cho những người đã có nhiều thời gian cống hiến cho xã hội. Ông Phạm Văn Lâm, cán bộ xã làm việc tại UBND thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tăng một bậc lương giúp những người nghỉ hưu có điều kiện cải thiện đời sống.
Huyền Tím