Đánh giá tác động của việc tăng giá điện
Nêu báo cáo số 229 của Chính phủ về điều hành giá điện, theo đó, Chính phủ đã xem xét điều hành giá điện theo đúng quy định, từ ngày 20/3/2019, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân là 8,36 %, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng điều ông mong muốn là Chính phủ đánh giá cụ thể hơn và có dự báo trong thời gian tới việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân,
Bởi tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, và đương nhiên, chi phí này sẽ vào giá thành sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm. Việc này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giảm sức mua của người dân.
Khía cạnh khác, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, trong khi hàng loạt các chi phí thiết yếu đều tăng, như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Ông đề nghị Chính phủ làm rõ việc này ảnh hưởng đến mức sống người dân và kiềm chế lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội như thế nào. Để công khai minh bạch trong điều hành giá điện, đại biểu kiến nghị đưa vào kiểm toán nhà nước đối với danh mục kinh doanh ngành điện.
Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thẳng thắn: “Khi nhiều người dân phản ứng, bức xúc, Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua và trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu”. Ông cũng đặt vấn đề “phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện”.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn về giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019 mà Quốc hội đề ra. Dẫn con số báo cáo của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, cho rằng lạm phát quý I/2019 chưa đáng lo ngại, song theo đại biểu, từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có những vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến phân tích, vì giá điện, giá xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, nhất là những ngành tiêu dùng tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải. Điều đó dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng; ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội và người tiêu dùng. Giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3 đã tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Bên cạnh đó, thuế môi trường cũng đã tăng. Với mức tăng thuế này, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018.
Một diễn biến khác đáng chú ý là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 42 tỉnh thành trong cả nước. Tuy rằng chỉ giảm số đàn khoảng 5%-6% nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cung, cầu, giá thực phẩm đối với nước ta. Cung giảm, cầu tăng, sẽ đẩy giá tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế và giáo dục như viện phí, sách giáo khoa cũng sẽ tăng giá. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tăng.
Đại biểu kiến nghị các giải pháp để kiềm chế lạm phát, theo đó, các hoạt động thương mại phải tăng, giảm theo kinh tế thị trường, chủ động đảm bảo cân đối cung, cầu nhằm ổn định giá cả thị trường, điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
An ninh điện là cân đối lớn và trọng yếu của nền kinh tế
Khẳng định kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, 3 năm qua, CPI luôn được giữ ở mước dưới 4%, được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá như một điểm sáng trong bức tranh về điều hành kinh tế vĩ mô. Theo Phó Thủ tướng, chỉ số CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so tháng 4/2019, bình quân 5 tháng, chỉ số CPI là tăng 2,74% so với năm 2018. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Đồng tình chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, để kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3-3,9%, Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra và Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.
Bên cạnh đó, Chính phủ chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường và giá để có giải pháp bình ổn, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu và khó lường như giá điện, xăng dầu, gas và một số mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng. Tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện; tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới và có sử dụng công cụ bình ổn giá là quỹ bình ổn để đảm bảo bình ổn theo mục tiêu.
Đồng thời, Chính phủ tăng cường công tác dự báo và tính toán điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu vào những thời điểm phù hợp và với liều lượng, mức độ phù hợp theo mục tiêu chung. Phó Thủ tướng đồng tình với các đại biểu về việc phải công khai, minh bạch các chi phí đầu vào và tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Về vấn đề giá điện và giá xăng dầu, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đã có báo cáo chi tiết gửi Quốc hội. Nhấn mạnh, điện là vật tư chiến lược và an ninh lương thực, an ninh điện là cân đối lớn và trọng yếu của nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, để tăng 1% GDP, ít nhất phải tăng 1,5% sản lượng điện. Trong 3 năm qua mức tăng sản lượng điện bình quân là 10,15% và năm 2019, trên cơ sở kịch bản GDP tăng 6,8% thì điện ít nhất phải tăng 11,23% sản lượng. Vì vậy, điều hành giá điện phải đạt 2 mục tiêu: kiểm soát được lạm phát và có giá hợp lý để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho ngành điện.
Phó Thủ tướng nêu rõ, theo quy định của Luật Điện lực, Luật Giá, điện là mặt hàng điều tiết theo thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước; khung giá, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Việc điều chỉnh giá điện trên cơ sở rà soát cơ cấu và tổng nguồn điện, kể cả thủy điện, điện than, điện dầu, tuốc-bin khí, điện gió, điện mặt trời thì tổng đầu vào dự kiến tăng lên khoảng 20.032 tỷ đồng, trong đó có điều chỉnh giá than cho điện vào 2 đợt (đợt 1 từ 5/1/2019 và đợt 2 là 20/3/2019) với 5.412 tỷ đồng (chi phí đầu vào của than cũng tăng khi độ âm khai thác âm 300m so với mặt nước biển).
“Để bảo đảm bù đắp chi phí đầu vào và có mức lợi nhuận tối thiểu 3% cho ngành điện thì EVN và Bộ Công Thương đề xuất 3 kịch bản điều chỉnh giá điện là 7,31%, 8,36% và 9,26%. Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận rất kỹ với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty và kết luận sẽ chọn phương án 8,36% và điều chỉnh trong khoảng 15- 30/3/2019”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu lý do chọn tháng 3 để tăng giá điện là vì CPI thường giảm sau khi đã tăng mạnh trong tháng 1 và 2. Thực tế có 10 lần điều chỉnh giá điện thì 4 lần lựa chọn vào tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, vào giữa năm hoặc tháng 7 thì tỷ lệ điều chỉnh phải cao hơn để bù đắp các khoản trên.
Về biểu giá điện và cách tính giá điện, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam và thế giới tính giá điện theo biểu giá bậc thang. Còn về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Người tiêu dùng và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sơ bộ đánh giá, do việc điều chỉnh giá điện tăng, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường làm tổng điện năng thương phẩm trong tháng 4 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3/2019.
“Qua kiểm tra sơ bộ của đoàn liên ngành trên thì cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện sai phạm gì”, Phó Thủ tướng cho biết; đồng thời nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Điều hành giá luôn chỉ đạo ngành điện, EVN công khai, minh bạch chi phí đầu vào, tăng cường năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng. Năm 2018 hao hụt điện năng giảm còn 6,83%. Chính phủ còn chỉ đạo EVN tiết giảm 7% chi phí thường xuyên hàng năm; tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện, rà soát, thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với điều kiện Việt Nam, thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021.
Trên cơ sở đề xuất của chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã giao EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá điện hợp lý hơn, bảo vệ người có thu nhập thấp và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích các hộ tiêu dùng điện; làm tốt hơn công tác cung cấp thông tin, truyền thông, bảo đảm niềm tin của nhân dân với điều hành của Chính phủ.
“Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN trong năm 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.