Đoàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại Nghệ An

Chiều 29/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại một số địa phương trong tỉnh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về công tác ứng phó với bão số 4 trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Cùng đi có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh Nghệ An có 3.847 tàu, thuyền với 18.704 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Tính đến 15 giờ 30 phút, 3.708 tàu, thuyền với 17.8 lao động đã về neo đậu tại bến. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch những diện tích lúa vùng thấp, trũng đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đến chiều 29/8 đã thu hoạch được 46.000/62.472 ha gieo cấy, đạt khoảng 75%.

Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 18.908 ha, 960 lồng nuôi, trong đó diện tích đã thu hoạch là 2.103 ha và 50 lồng. Trên địa bàn tỉnh có 41,78 km đê biển và 11,65 km kè biển, các tuyến đê này đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo chống được gió bão cấp 10 gặp triều cao trung bình tần suất 5% theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ; các đoạn đê xung yếu và các tuyến đê cửa sông đã được UBND các huyện triển khai phương án bảo vệ.

Về khách du lịch, đến chiều 29/8, khoảng 1.260 khách du lịch đang lưu trú tại địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở thị xã Cửa Lò. Tất cả các khách du lịch và chủ các cơ sở lưu trú đã nắm được thông tin về diễn biến cơn bão số 4.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng tập trung rà soát các khu vực dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển chuẩn bị sẵn sàng di dân khi có lệnh, theo phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều tàu có công suất lớn vào cảng Cửa Lò để huy động cứu nạn khi cần thiết; hỗ trợ tỉnh 4 xuồng ST 660; 4 xuồng ST 750: 20 súng bắn giây; 10 máy cưa xăng...

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh (thứ hai từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý (người giơ tay, giữa) báo cáo công tác ứng phó bão số 4 của tỉnh Nghệ An với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Tá Chuyên/ TTXVN

Sau khi đi kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời ban hành các công điện để chỉ đạo, đối phó với bão số 4. Tỉnh và các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong công tác phòng chống bão.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung các công điện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình trọng điểm và các cơ sở hạ tầng khác; duy trì lực lượng sẵn sàng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, tổ chức cứu trợ khi có yêu cầu; tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xẩy ra. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Nghệ An vốn là tỉnh có quy mô kinh tế lớn, dân số đông, do đó khi bão vào rủi ro, nguy cơ thiệt hại cũng rất lớn. Nghệ An cũng là địa phương có khối lượng công việc phòng, chống bão rất nhiều, vì vậy cần chú ý hơn trong công tác ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các cơn bão. Với những diện tích nuôi trồng thủy sản chưa kịp thu hoạch, cần tổng kiểm tra, có biện pháp đảm bảo an toàn.

Những diện tích lúa Hè Thu ở vùng thấp trũng, cần huy động các lực lượng phối hợp với nông dân để gặt, tránh để thiệt hại ngoài đồng. Lực lượng chức năng rà soát lại các phương án, phân công cán bộ cụ thể để khi cần thiết khẩn cấp di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn. Ở khu vực miền núi, cần rà soát kỹ và có phương án điều tiết hồ tốt, đặc biệt là các hồ thủy điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ đập thủy điện, thủy lợi và cho người dân, không để các sự cố xảy ra…

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 4
Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 4

Bão số 4 đang tiến vào gần bờ, chiều 29/8, các địa phương trong vùng dự kiến ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão đang tích cực thực hiện các biện pháp để chủ động ứng phó với bão.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN