Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Sóc Trăng thông tin: Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 4/7/2021, đến nay toàn tỉnh đã có 1.2 ca mắc COVID; trong đó đã điều trị khỏi và cho xuất viện 926 ca; số ca tử vong do các bệnh lý nền là 22 ca, đang điều trị 734 ca (trong đó có 8 bệnh nhân có triệu chứng nặng). Tổng số trường hợp F1 còn đang cách ly tập trung là 1.712 người.
Đặc biệt từ ngày 30/9/2021 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng rất nhanh do 2 nguyên nhân, đó là do người dân đang sinh sống, lao động, học tập ngoài tỉnh đồng loạt trở về địa phương. Đến chiều 6/10, tỉnh đã tiếp nhận gần 34.000 người từ các tỉnh, thành phố trở về, trong đó tiến hành cách ly tập trung là 23.000 người và cách ly tại nhà là 10.991 người (đối với những người đã điều trị khỏi COVID-19, đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine). Tỉnh đã tổ chức xét nghiệm lần 1 được 20.057 người (trong 33.991 người, chiếm 60% số người trở về, đã phát hiện 102 trường hợp dương tính).
Nguyên nhân thứ 2 là từ ngày 3/10 đến ngày 6/10, trên địa bàn tỉnh phát sinh một chùm ca bệnh phức tạp tại Công ty chế biến thủy sản Út Xi, tại huyện Trần Đề. Ổ dịch này đã lây lan đến 6 địa phương trong tỉnh. Qua tầm soát, xét nghiệm đã ghi nhận có 234 ca dương tính. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát và truy vết các đối tượng có liên quan đến chùm ca bệnh để có biện pháp đáp ứng kịp thời và chính xác.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong những ngày tới số ca F0 có thể còn tăng trong khi năng lực của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như năng lực cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, nhân lực y tế, an sinh xã hội,… đều chưa thể đáp ứng kịp thời theo yêu cầu.
Về cách ly tập trung, tỉnh đã trưng dụng hầu như toàn bộ các điểm trường học để làm khu cách ly, không đảm bảo về giường nằm, nhà vệ sinh, số lượng người cách ly trong 1 phòng quá cao (6-10 người/phòng).
Về lấy mẫu xét nghiệm, với công suất 3.200 mẫu đơn PCR/ngày chỉ đáp ứng được 1/10 số lượng người dân trở về địa phương cần phải xét nghiệm. Việc tìm mua các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm hiện nay cũng gặp khó khăn do không có nguồn cung cấp.
Về điều trị, số lượng máy thở, bình oxy ở các cơ sở điều trị vẫn còn rất ít, chỉ đáp ứng được 17% trên tổng số ca F0 đang điều trị (126 máy/734 ca đang điều trị).
Về nhân lực y tế, Trạm Y tế cấp xã chỉ có 3-4 nhân viên, trong khi phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các chốt kiểm soát, các khu cách ly,… nên không thể đảm bảo. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, việc huy động các tổ chức, cá nhân cũng gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên công tác chăm lo cho người dân cũng còn nhiều hạn chế.
Để đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian sắp tới, Sóc Trăng rất cần Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương quan tâm hỗ trợ, kết nối với các Bộ, ngành Trung ương, nhất là TP Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ về nhân vật lực ngành y tế như bác, sĩ, điều dưỡng làm việc tại các khu điều trị F0; hỗ trợ các huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ về trang thiết bị y tế như 5 máy xét nghiệm PCR (kèm sinh phẩm và nhân viên vận hành luôn); 218 bình oxy loại 10 lít (109 Trạm Y tế, mỗi đơn vị 02 bình); 50 máy thở, 02 xe cứu thương; 500.000 giường bệnh; Hỗ trợ 200.000 test nhanh kháng nguyên, 200.000 bộ đồ bảo hộ; 5.000 túi thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, Đoàn đã và đang kết nối với ngành y tế TP Hồ Chí Minh cho cán bộ, y bác sĩ (ưu tiên những người làm ngành y là người dân Sóc Trăng để về hỗ trợ tỉnh); kết nối với doanh nghiệp, nhà tài trợ để hỗ trợ Sóc Trăng trong xây dựng bệnh viện dã chiến, y tế điều trị tại nhà, cung cấp Oxy tại nhà điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là xin hỗ trợ cho tỉnh khoảng 10.000 túi thuốc; đề nghị TP Hồ Chí Minh hỗ trợ hoặc mượn khoảng 200.000 test kháng nguyên; đồ bảo hộ, máy thở, bình oxy…
Theo ông Nguyễn Phước Lộc, ưu tiên của địa phương trong thời gian sắp tới phải là quan tâm bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là hạn chế tử vong với các trường hợp mắc COVID-19, kế đó là chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dân không để ảnh hưởng dịch bệnh mà khó khăn, thiếu thốn…
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cảm ơn Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương đã quan tâm tới công tác phòng, chống dịch của Sóc Trăng, thực hiện kết nối nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, mặc dù công tác phòng, chống dịch của tỉnh Sóc Trăng hiện đang có khó khăn, thiếu về năng lực, trang thiết bị nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để đề phòng phương án xấu, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, phức tạp hơn, ngoài những việc đoàn đã kết nối hỗ trợ Sóc Trăng về nhân vật lực, Sóc Trăng cũng rất cần Đoàn hỗ trợ cho tỉnh xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị đa tầng, kết nối thêm nguồn lực về năng lực điều trị để cố gắng giữ vững tầng 1; sớm kết nối hỗ trợ thêm cho tỉnh 200.000 bộ test nhanh, hỗ trợ thuốc điều trị, vaccine cũng như hỗ trợ về bệnh viện điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động…