Báo cáo với Đoàn công tác, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện Nghị quyết /NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát, hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đợt 1, địa phương đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số đơn vị sử dụng lao động giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.085, với 36.623 người, số tiền giảm là gần 1,8 tỷ đồng; số tiền tạm tính giảm đến tháng 6/2022 là trên 10,78 tỷ đồng.
Tính đến ngày 26/8, các đơn vị đã hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ (đợt 1) cho gần .000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác với tổng kinh phí gần 57 tỷ đồng (trong đó có 6.554 người bán vé số lẻ).
Với công tác hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác nhận danh sách người lao động của 8 đơn vị với 65 người. Tính đến ngày 26/8 có 32 lao động thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động được UBND tỉnh phê duyệt danh sách với kinh phí hỗ trợ trên 118 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, theo số liệu của Sở Y tế, tính đến ngày 27/8, Sóc Trăng có 874 đối tượng F0, 4.365 F1. Hiện nay, các cơ sở y tế và UBND các địa phương đang lập hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ 31 viên chức hoạt động nghệ thuật trên địa bàn, với số tiền trên 115 triệu đồng; hỗ trợ 3 lao động là hướng dẫn viên du lịch, kinh phí trên 11 triệu đồng (còn 16 người đủ điều kiện chưa làm hồ sơ do ảnh hưởng của dịch bệnh).
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp nhận 2 hồ sơ của người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho 67 lao động, kinh phí là trên 215 triệu đồng...
Về phân bổ gạo cho các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19 theo Quyết định 1409 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng tiếp nhận an toàn và phân bổ nhanh nhất đến người dân. Tại thị xã Vĩnh Châu đã tiếp nhận và đang giao người dân được trên 492 tấn gạo. Sóc Trăng dự kiến sẽ hoàn tất việc tiếp nhận và phân bổ trước ngày 15/9.
Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như, do diễn biến dịch bệnh đang phức tạp, một số khu vực thiết lập vùng cách ly y tế, phong tỏa để phòng, chống dịch. Một số cán bộ, công chức cấp xã phải cách ly tập trung và cách ly tại gia đình... nên việc lập danh sách đối tượng được hỗ trợ chưa đầy đủ, có trường hợp xác định chưa đúng đối tượng (do một số nơi không thể tiếp cận, xác minh, chỉ dựa vào thông tin do người lao động cung cấp...) nên độ chính xác chưa cao.
Thời gian tới, Sóc Trăng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát, lập danh sách, thẩm định, đề nghị phê duyệt hỗ trợ đợt 2 cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Hiện nay, tỉnh đã sử dụng hết ngân sách dự phòng để chi phòng, chống dịch và thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh. Do là địa phương ngân sách còn khó khăn, tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ ngân sách địa phương 60% kinh phí thực tế phát sinh cho chính sách hỗ trợ lao động tự do của địa phương như các chính sách khác thuộc Nghị quyết số /NQ-CP.
Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, các ca nhiễm liên tục tăng cao. Để đảm bảo vật chất, trang bị cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, Sóc Trăng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm cầu nối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất cấp trang thiết bị phòng thủ dân sự cứu hộ, cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất và khẩn cấp cho tỉnh như nhà bạt cấp Trung đội, Đại đội, máy phát điện phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo Thứ trưởng, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã huy động nhân dân vào cuộc chung tay góp sức phòng, chống dịch rất thành công. Sóc Trăng là một trong những tỉnh đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, các cấp, ngành có liên quan đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt về mục tiêu phòng, chống dịch cũng như phương pháp, biện pháp, đặc biệt là các quy định tại Nghị quyết số /NQ-CP và gần đây là Công điện số 1099, Công điện số 1022 của Thủ tướng Chính phủ; lấy các xã, phường, thị trấn làm pháo đài, mỗi người dân là một "chiến sĩ", triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả các biện pháp công tác phòng, chống dịch, giảm “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”... Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số /NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội, không để người dân nào bị đói, không ai thiếu ăn, thiếu mặc…