Qua khảo sát và đánh giá thực tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, từ số liệu đo được qua các trận động đất và ảnh hưởng của động đất lên công trình thông qua hình thức khảo sát các công trình hồ, đập, công trình dân dụng và phỏng vấn người dân vùng bị ảnh hưởng cho thấy, cường độ động đất tại huyện Kon Plông chưa đến mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, khảo sát của Viện Vật lý địa cầu và Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) thì chưa đủ cơ sở để dự báo đươc xu hướng và nguyên nhân của động đất.
“Vì vậy, để có cơ sở đánh giá tình hình động đất, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam (Viện Vật lý địa cầu) và Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) cần tổ chức lắp đặt thêm hệ thống quan trắc để có thể hoàn thiện lưới đo động đất tại khu vực huyện Kon Plông, làm cơ sở quan trắc động đất trong thời gian tới. Viện Vật lý địa cầu cần kiểm toán và sớm đưa ra giá trị động đất để có cơ sở tính toán kiểm tra lại độ an toàn của các công trình”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị, UBND tỉnh Kon Tum, với vai trò quản lý an toàn đập tại địa phương cần sớm yêu cầu chủ đập tổ chức tính toán, kiểm tra an toàn đập trên cơ sở các giá trị động đất được Viện Vật lý địa cầu công bố để có phương án ứng phó sự cố; trong đó, cần xem xét tính toán khả năng đảm bảo an toàn đập tương ứng với các mực nước hồ để có cơ sở điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa (nếu cầu). Yêu cầu các chủ đập tổ chức lắp đặt các thiết bị đo dao động gia tốc nền tại đập để có cơ sở xem xét đánh giá ảnh hưởng động đất đối với đập. Bộ Công Thương với vai trò quản lý chuyên ngành giúp UBND tỉnh thực hiện các công việc trên.
Bộ Xây dựng giao cho Vụ Khoa học Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học công nghệ điều chỉnh các hướng dẫn liên quan đến khảo sát, thiết kế, gia cố công trình dân dụng phù hợp với tình hình động đất thực tế tại tỉnh Kon Tum để làm căn cứ hướng dẫn áp dụng; UBND tỉnh phối hợp với Viện Vật lý địa cầu trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý các tình huống khi có hiện tượng xuất hiện động đất xảy ra; Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét, nghiên cứu đưa nội dung đánh giá khả năng xuất hiện động đất kích thích trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum tổ chức rà soát lại các thủ tục liên quan đến vận hành, phát điện các tổ máy, trước mắt cần có ngay các biện pháp ứng phó liên quan đến ảnh hưởng của động đất trên cơ sở kết quả kiểm toán của tư vấn thiết kế.
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xây dựng Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông) đã xảy ra 56 trận động đất, phần lớn đều có cường độ nhỏ hơn 4 độ ; trong đó, trận động đất lớn nhất là 4,5 độ xảy ra vào ngày 18/4/2022, ứng phó cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1. Các trận động đất xảy ra có tâm chấn cách xa Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 14,61km, cách đập dâng 25km; chủ yếu thuộc khu vực xã Đăk Nên, Đăk Ring, Hiếu, Pờ Ê (Kon Plông).
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã đến huyện Kon Plông và Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum kiểm tra thực tế, bàn phương án khắc phục và giải pháp cho tình hình động đất tại Kon Tum. Kết quả kiểm tra không ghi nhận xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Theo TS. Nguyễn Ánh Dương - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, về việc xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông, Viện vật lý địa cầu đang có những cuộc khảo sát và đánh giá sơ bộ ban đầu, động đất ngày 18/4/2022 có độ lớn 4,5 độ gây chấn động không quá cấp 6 theo thang MSK-64.
Viện Vật lý địa cầu kiến nghị, triển khai lắp đặt thêm 5 trạm địa chấn để ghi nhận nhanh, chính xác các trận động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và lân cận phục vụ báo tin động đất và phòng chống giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về vấn đề này để làm rõ nguyên nhân chuỗi phát sinh động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và lân cận, mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa.