Ông Cao Viết Sinh, Thường trực Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Trưởng đoàn công tác cho biết, để có báo cáo kinh tế - xã hội chất lượng, được nhân dân đồng tình, doanh nghiệp ủng hộ, những kiến nghị của địa phương sẽ được đưa vào báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 của cả nước. Đoàn công tác sẽ đi thực tế, tham vấn ở 6 vùng và một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hải Dương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những thành tựu nổi bật, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; những nút thắt về thể chế, các bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật; đề xuất phương án điều chỉnh, các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo của địa phương; những kiến nghị của Hải Dương đưa vào báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước.
Trao đổi với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, Hải Dương còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Địa phương đang xây dựng đề án xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt dự kiến nằm ở phía Tây của tỉnh (phía Nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 5.300 ha. Địa phương tập trung phát triển nông nghiệp thế mạnh, nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Sáu tháng đầu năm 2024, mức tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt trên 10%. Địa phương đang ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao; triển khai Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ. Tuy nhiên, Hải Dương vẫn còn thiếu hạ tầng về dịch vụ công nghiệp, logistics. Với dân số 2,1 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đang ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiến nghị Trung ương thống nhất chỉ đạo và bố trí nguồn lực để cùng với địa phương giải quyết vấn đề ô nhiễm, tránh việc các địa phương tự đầu tư sẽ dẫn đến không đồng bộ, manh mún. Trung ương xây dựng mô hình mẫu, mô hình điểm về thu gom xử lý rác thải để các địa phương thống nhất làm theo phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị Trung ương tạo điều kiện để tỉnh sớm hình thành khu kinh tế chuyên biệt; quan tâm, tạo điều kiện cho địa phương được thực hiện một số cơ chế đặc thù thu hút đầu tư; một số cơ chế về tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực để có thể khai thác tốt vị thế của tỉnh trong vùng, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng, cung ứng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, trong triển khai công việc thực tiễn, Hải Dương còn bộc lộ một số điểm nghẽn như: gặp khó khăn, vướng mắc khi huy động nguồn lực từ đất đai do công tác quản lý trước đây chưa tốt, nhất là cấp xã quản lý còn lỏng lẻo. Hải Dương kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ dân khi đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương Lê Hồng Diên, tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng cao so với mức trung bình chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 8,6%; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 94,1 triệu đồng, ước thực hiện đến cuối nhiệm kỳ là 113,4 triệu đồng, tương đương 4.725 USD. Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng...
Ông Cao Viết Sinh, Trưởng đoàn công tác chúc mừng những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội Hải Dương đạt được trong thời gian qua; đồng thời mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cố gắng, nỗ lực xây dựng Hải Dương sớm trở thành nơi đáng sống, đáng đến. Để đạt được mục tiêu đó, Hải Dương cần nâng cao thu nhập cho người dân; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hạ chi phí đời sống và nâng cấp hạ tầng xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân tương đương với cả nước và sớm tương đương với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.