Cuộc họp Ủy ban thường trực ICAPP lần thứ 41 tập trung thảo luận các định hướng, biện pháp lớn nhằm phát huy vai trò của các đảng chính trị và các chính phủ trong giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế; phát huy ảnh hưởng quốc tế của ICAPP trong đời sống chính trị khu vực, quốc tế; thống nhất thông qua kế hoạch mở rộng hợp tác giữa ICAPP với các tổ chức khu vực và quốc tế thời gian tới, trong đó có kế hoạch ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Nghị viện châu Á (APA) và Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA), gia hạn Thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) và sự hiện diện của ICAPP trong các cơ chế của Liên hợp quốc. Cuộc họp cũng thảo luận phương hướng mở rộng số lượng đại diện các nước trong Ủy ban Thường trực ICAPP. Theo đó, Ủy ban Thường trực ICAPP thống nhất sẽ tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban thường trực ICAPP, hướng tới mục tiêu gia tăng chiều sâu hợp tác giữa các chính phủ, các đảng chính trị các nước thời gian tới.
Trong khuôn khổ các hoạt động tổ chức tại Thái Lan lần này, ICAPP đã tiến hành Cuộc họp Hội đồng kinh doanh ICAPP lần thứ 2 (IBC-2) với hai chủ đề "An ninh lương thực" và "Quảng bá du lịch"; nhấn mạnh đây là các chủ đề thiết thực với các đảng chính trị và chính phủ các nước trong giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19. Cuộc họp với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ 22 đảng chính trị, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp ở các nước châu Á. Trong 2 phiên thảo luận, các đại biểu tập trung trao đổi quan điểm và chiến lược về cách thức thúc đẩy an ninh lương thực và phát huy vai trò của du lịch trong quá trình các chính phủ dành ưu tiên hàng đầu cho phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cuộc họp đã thông qua Tuyên bố Bangkok về lương thực và du lịch, khẳng định vai trò không thể thiếu của các đảng trong việc hình thành cơ chế hợp tác, tham vấn chính sách giữa các đảng chính trị, đặc biệt là các đảng cầm quyền là thành viên ICAPP, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ, góp phần củng cố nền tảng cơ bản để hướng tới tương lai phát triển bền vững và toàn diện.
Phát huy vai trò là Ủy viên Ủy ban Thường trực ICAPP liên tục trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia và có nhiều đóng góp tích cực vào việc triển khai các mục tiêu của ICAPP. Bên lề các hoạt động ICAPP tại Thái Lan, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với đại diện các đảng tham dự Hội nghị nhằm trao đổi biện pháp thúc đẩy quan hệ với các đảng, các nước; đóng góp tích cực vào quá trình định hướng các trọng tâm quan trọng của ICAPP trong thời gian tới.
Được thành lập vào tháng 9/2000, ICAPP là Diễn đàn đối thoại kênh đảng lớn nhất của hơn 350 đảng chính trị ở châu Á, nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị châu Á thuộc các khuynh hướng tư tưởng khác nhau. Sau 24 năm thành lập, ICAPP tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế đa phương lớn nhất của các đảng chính trị trong khu vực, đóng góp thiết thực vào quá trình kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các đảng chính trị châu Á, cũng như quan hệ hợp tác với các đảng chính trị ở các khu vực khác trên thế giới.