Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Tổ chức giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong giai đoạn 2011 - 2016, ngành y tế Đồng Nai đã lấy 1.135 mẫu thực phẩm gồm các loại bánh kẹo, nước uống đóng chai, sữa, kem, chả giò, bánh ướt, bao bì chứa đụng thực phẩm….Kết quả giám sát mối nguy cho thấy có 39/3 mẫu dương tính với chất hàn the; 88/229 mẫu phát hiện nhiễm coliforms; 51/174 mẫu phát hiện pseudomonas earuginosa; 14/93 mẫu dương tính với tinopal.
Việc giám sát dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho thấy có 84/1.334 thức ăn chăn nuôi và nước tiểu lợn dương tính với chất cấm salbutamol; 46/944 mẫu thịt, trứng, các sản phẩm từ thịt có chỉ tiêu vi sinh và dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép; 9/371 mẫu thủy sản có dư lượng kháng sinh và kim loại nặng vượt giới hạn cho phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Lotte - Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
5 năm qua trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 822 người mắc, 5 người tử vong. Năm 2016 có 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 người mắc gồm 2 vụ tại bếp ăn tập thể làm 17 người mắc và một vụ tại gia đình do ăn nấm lạ. Cũng trong thời gian trên, Đồng Nai đã tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra và phát hiện trên 1.200 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, ra quyết định xử phạt trên 5,6 tỷ đồng; xử lý hình sự một đơn vị vi phảm về sản xuất gia vị giả nhãn mác tại huyện Trảng Bom.
Qua kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng cơ bản các cơ sở đều có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Đoàn lưu ý, ngoài tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và lớn, cần quan tâm đến những cơ sở nhỏ lẻ; nhân rộng hơn nữa các mô hình chuỗi thực phẩm khép kín.
Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thể hiện qua hồ sơ lưu tại các cơ sở cho thấy vẫn còn chung chung, hình thức. Việc cấp chứng nhận VietGap cho sản phẩm rau an toàn vẫn còn lỏng lẻo. Trên thực tế, có những cơ sở sau khi được cấp phép, cơ quan cấp phép lại không giám sát, yêu cầu ghi chép thông tin hàng ngày, do đó không kiểm soát được chất lượng, quy trình sản xuất theo quy định. Đoàn Giám sát đề nghị tỉnh Đồng Nai quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và cần xem việc làm này là thường xuyên, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các tỉnh; thành lập các trung tâm an toàn thực phẩm tuyến huyện nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, gây hại cho sức khỏe của cộng đồng cần phải xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe. Vì thực tế những năm qua hành vi vi phạm an toàn thực phẩm chỉ bị xử lý hành chính với mức xử phạt nhẹ nên những cá nhân, tổ chức này lại tiếp tục tái phạm.