Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của thành phố Cần Thơ trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua. Cần Thơ cũng là địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, có nhiều hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong số ba địa phương mà đoàn đã đi giám sát.
Bà Nguyễn Thúy Anh cùng đoàn giám sát kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ ở quận Ninh Kiều. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN. |
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở những gợi ý của các thành viên trong đoàn giám sát, Cần Thơ cần cân nhắc, cụ thể hóa trong hoạt động của thành phố, trong đó tiếp tục tuyên truyền sâu rộng những nội dung cụ thể, toàn diện của chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh cũng lưu ý, bên cạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật vê an toàn vệ sinh thực phẩm thi thành phố cần quan tâm thực hiện luật an toàn vệ sinh lao động, chăm lo hơn nữa đến đời sống của người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố cùng sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể đã góp phần đẩy lùi thực phẩm không an toàn trên địa bàn. Các văn bản quy định về an toàn thực phẩm được ban hành kịp thời, đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, bên cạnh những thuận lợi thì việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: thiếu nhân lực công tác, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra và xử lý vi phạm, ý thức chấp hành pháp luật của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, mức xử lý vi phạm hành chính còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, việc sử dụng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn diễn biến phức tạp…
Trước đó, đoàn giám sát cũng đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ và đánh giá công tác quản lí, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các đơn vị ở Cần Thơ thực hiện khá nghiêm túc. Chủ các cơ sở này hầu hết có nhận thức tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, khẳng định an toàn thực phẩm chính là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Đoàn giám sát đề nghị Cần Thơ nên có hướng dẫn chuyên môn bài bản đề các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có điều kiện thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm được thuận lợi, chính xác.
Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí đầu tư đề xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.