Nhiều vụ khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư Pháp thành phố Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho hay, có 96 vụ khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND (từ năm 2019-2021). Trong đó, khiếu kiện Chủ tịch UBND, UBND phường/xã: 10 vụ (năm 2019: 5 vụ, năm 2021: 5 vụ); Chủ tịch UBND, UBND quận/huyện: 42 vụ (năm 2019: 23 vụ, năm 2020: 11 vụ; năm 2021: 8 vụ); Chủ tịch UBND, UBND thành phố: 44 vụ (năm 2019: 16 vụ; năm 2020: 16 vụ; năm 2021: 12 vụ).
Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp về lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm tỷ lệ lớn trong số các khiếu kiện hành chính. Cụ thể: hành vi không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hành vi không thực hiện chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 13 vụ/tổng số 96 vụ, chiếm 13,5%; hủy quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 14 vụ/tổng số 96 vụ, chiếm 14,6%.
Số lượng quyết định hành chính bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ/tổng số các quyết định hành chính bị khiếu kiện là 12 vụ. Số lượng hành vi hành chính trái pháp luật bị Tòa án tuyên bố là trái pháp luật/tổng số hành vi hành chính bị khiếu kiện là 4 vụ.
Bà Hoa nhận định, trong những năm qua, các cấp chính quyền thành phố đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật về căn cứ, trình tự, nội dung và thẩm quyền. Số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện tại Tòa án các cấp trên tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính chiếm tỷ lệ nhỏ (96 vụ trên tổng số khoảng 225.000 quyết định hành chính, chiếm 0,04%). Bảy quận, huyện của thành phố Đà Nẵng trung bình trong 3 năm (từ năm 2019-2021), mỗi UBND, Chủ tịch UBND quận/huyện ban hành khoảng 20.000 quyết định hành chính, số vụ bị khiếu kiện tại Tòa án chỉ 42 vụ (chiếm 0,03%).
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến việc ban hành các quyết định hành chính, tiến hành hành vi hành chính trái pháp luật thời gian qua, Giám đốc Sở Tư Pháp thành phố Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính, thiếu các quy định thống nhất về xác định hiệu lực của quyết định hành chính, các quy định cụ thể về đính chính, sửa đổi, thu hồi, bãi bỏ quyết định hành chính. Từ đó, dẫn đến chất lượng của quyết định hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; thậm chí, có trường hợp quyết định hành chính vừa ban hành đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng làm cho nhu cầu sử dụng đất tăng lên, thúc đẩy giá đất tăng cao, người sử dụng đất thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đất đai và các quy định có liên quan khác... Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, công chức, cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ chưa thực sự nghiên cứu kỹ và thấu đáo tất cả các quy định của pháp luật, nhất là các quy định mới được ban hành... là nguyên nhân dẫn đến các khiếu kiện hành chính, trong đó hầu hết các khiếu kiện đều thuộc lĩnh vực đất đai. Hệ thống pháp luật có những quy định chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn thi hành luật dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất, thực hiện đền bù, bố trí tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất…
Giám đốc Sở Tư Pháp thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các vướng mắc, bất cập, sớm sửa đổi và hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, khắc phục tình trạng quy định nhiều văn bản hướng dẫn như hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng; đề nghị Tòa án nhân dân các cấp sớm đưa vào tổ chức phiên tòa hành chính trực tuyến, tạo thuận lợi cho UBND, Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa.
Thực hiện tốt quy định pháp luật về tố tụng, xét xử, thi hành án hành chính
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao, sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng trong việc giải quyết, thi hành án hành chính của các ngành Kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thi hành án, các cơ quan hữu quan của thành phố Đà Nẵng đã đạt được.
Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện khá tốt quy định pháp luật về tố tụng, giải quyết xét xử, thi hành án hành chính.
Theo đó, so với giai đoạn 2015-2017, việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết, thi hành án hành chính giai đoạn 2018-2021 của thành phố có nhiều chuyển biến, cụ thể: Việc chấp hành và tổ chức thi hành các bản án hành chính của UBND các cấp thành phố Đà Nẵng cơ bản được thực hiện kịp thời. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, chấn chỉnh UBND các cấp, các sở, ngành hữu quan tăng cường rà soát, tổ chức chấp hành nghiêm túc, dứt điểm các bản án đã có hiệu lực thi hành, tổ chức thi hành ngay các bản án không có khó khăn, vướng mắc; việc giải quyết án, giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án cơ bản đúng pháp luật; tỷ lệ giải quyết án hành chính hàng năm đạt cao; tổ chức đối thoại được tăng cường (theo báo cáo, trong số 96 vụ khiếu kiện hành chính, Tòa án đã tổ chức đối thoại thành 8 vụ, đưa ra xét xử 88 vụ). Chất lượng xét xử cơ bản được nâng cao; không có án tuyên không rõ, khó thi hành. Ngoài ra, công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, kiểm sát thi hành án hành chính cơ bản được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Số phiên tòa có mặt kiểm sát viên đạt 100%.
Về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của các các cơ quan hữu quan thành phố Đà Nẵng, theo ông Cường, trong thời gian qua, số lượng các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện trên tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2015-2017, tình hình khiếu kiện hành chính trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng; một số trường hợp chất lượng giải quyết khiếu nại hành chính của các cấp chính quyền thành phố còn chưa đảm bảo, một số vụ việc giải quyết chưa thỏa đáng nên người dân khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Việc tham dự phiên tòa, tham gia đối thoại của UBND, Chủ tịch UBND còn rất hạn chế, nhất là đối với các vụ án do Tòa án nhân dân thành phố thụ lý (nhiều vụ án không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND, UBND hoặc người đại diện vắng mặt (55 vụ); nhiều phiên tòa phải hoãn hoặc phải xét xử vắng mặt Chủ tịch UBND, UBND hoặc người đại diện).
Bên cạnh đó, chất lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính một số trường hợp chưa cao. Trong kỳ báo cáo, trong tổng số 96 vụ việc khiếu kiện hành chính thì có 12 quyết định hành chính bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ; 4 hành vi hành chính bị Tòa án tuyên bố trái pháp luật; Một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND chưa phối hợp tốt với Tòa án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan…
Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, những nội dung, thông tin thu thập được qua cuộc giám sát này là cơ sở thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Ủy ban Tư pháp, trong việc đánh giá đúng về thực trạng tình hình chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính để làm căn cứ báo cáo về công tác tư pháp năm 2022. Đoàn công tác tiếp thu, ghi nhận tất cả những ý kiến, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm bảo đảm đề cao và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.