Đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam kêu gọi nhân dân cần phải quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau hướng đến mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng và tấn công loài người. Tính đến 7 giờ sáng 12/3, dịch đã lan ra 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với 126.193 người nhiễm, cướp đi sự sống của 4.627 sinh mạng. Tối 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã phải đóng cửa, thậm chí Chính phủ Italy ra quyết định phong tỏa đất nước khi quốc gia này biến thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Tại Việt Nam, bệnh nhân thứ 17 sau khi đi du lịch từ vùng dịch trở về nhưng không tự giác khai báo, được phát hiện tối 6/3, đã chấm dứt hy vọng công bố hết dịch của Chính phủ sau 22 ngày tiên tục không ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Mối đe dọa hiện hữu ngày càng nghiêm trọng khi những ca nhiễm mới lần lượt được phát hiện, đều di chuyển trên cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17. Nguy cơ lây chéo rất cao do các bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Đây được coi là thử thách mới đối với Chính phủ Việt Nam cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, mà theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời điểm này, chúng ta phải tiếp tục kiên trì, ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả, thay vì một vài ngả như trước đây.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các quy định phòng, chống dịch theo phương châm "chống dịch như chống giặc", đảm bảo sức khỏe cho người dân là mục tiêu hàng đầu, tuyệt đối không được lơ là. Công tác cách ly, khoanh vùng, phát hiện sớm là rất quan trọng. Chính quyền và lực lượng chức năng đã nhanh chóng xác định tất cả những người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với bệnh nhân và tiến hành sàng lọc, cách ly. Tính đến thời điểm này, tình hình vẫn "đang trong tầm kiểm soát" và Chính phủ đã lường trước những tình huống xấu nhất để xây dựng kế hoạch phòng, chống...
Lấy bài học từ các quốc gia lớn bị mất kiểm soát khiến dịch bệnh lan nhanh với tốc độ chóng mặt, mà nguyên nhân quan trọng là do người dân không hợp tác, ủng hộ chính quyền, đề cao tự do cá nhân, Chính phủ Việt Nam kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng cùng chống dịch.
Từ bao đời nay, với tinh thần "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công", đoàn kết đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết bức thư với tựa đề "Kính cáo đồng bào", kêu gọi toàn dân đoàn kết, đánh đuổi đế quốc. Trong thư, Bác Hồ nhấn mạnh: Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi, phần nhiều dựa vào tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân cả nước.
Sau gần nửa thế kỷ đánh tan giặc ngoại xâm, sống trong hòa bình, người dân Việt Nam lại phải đương đầu với một loại "giặc mới", vô hình và nguy hiểm, đó chính là virus SARS-CoV-2, với khả năng lây lan rất nhanh chóng, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của con người. Loại "giặc" này không thể dùng vũ khí để chống lại, mà phải cần ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết để chiến đấu lâu dài như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào kỳ vọng của lãnh đạo Chính phủ bởi tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam đã trở thành truyền thống. Gần 100 triệu người dân Việt Nam đều hiểu rằng, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, cái đích vinh quang chỉ dành cho những người dám hy sinh, chung sức một lòng vì dân, vì nước. Trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, những cá nhân cố tình lợi dụng diễn biến của dịch bệnh để tung tin thất thiệt, gian dối trong khai báo, chống đối quy định..., gây hậu quả nghiêm trọng đều đáng bị lên án và loại bỏ.
Những thông tin về diễn biến của bệnh được cơ quan chức năng công khai, minh bạch, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền, cũng như thấy rõ được mức độ lây lan để có cách ứng phó hợp lý. Có thể thấy mối quan tâm lớn nhất của người dân trên cả nước trong những ngày gần đây là tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Những tin tức liên quan đến dịch COVID-19 được đăng trên các trang báo luôn được người dân cập nhật thường xuyên. Nhiều cá nhân đã tự nguyện tìm đến bệnh viện khám sau khi phát hiện bản thân đã từng tiếp xúc với người bệnh; sẵn sàng hợp tác với lực lượng chức năng trong việc thực hiện các quy định về cách ly tập trung hoặc tại nhà.
Trên mạng xã hội đang xuất hiện các khẩu hiệu với những nội dung kêu gọi người dân hãy tự giác, đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với chính quyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Nhiều tài khoản Facebook đã sử dụng dòng chữ "Hãy đứng im khi Tổ quốc cần" trên ảnh đại diện (Avatar) với mục đích vận động mọi người hãy hạn chế đi lại khi không có việc gì đặc biệt quan trọng. Các trang cá nhân cùng nhau chia sẻ những khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc sử dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều cơ quan đã hủy bỏ những cuộc họp không cần thiết, tránh tập trung đông người, các doanh nghiệp tư nhân thực hiện giao dịch điện tử, hạn chế giao dịch trực tiếp; các cửa hàng kinh doanh áp dụng nhiều biện pháp để tránh dịch bệnh lây lan, thậm chí phải đóng cửa... Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 12/3, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, nhằm đảm bảo tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Những biện pháp đó chắc chắn sẽ khiến Nhà nước thất thu, ngành du lịch, dịch vụ phải "dậm chân tại chỗ"; nhiều ngành kinh doanh khác phải chịu những tổn thất nặng nề..., ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, dù có tác động tiêu cực thế nào đến nền kinh tế, thậm chí sụt giảm số thu ngân sách, Chính phủ vẫn quyết định thực hiện các biện pháp ngăn chặn đại dịch, cho dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân trở thành một "chiến sỹ" trên mặt trận chống "giặc dịch", đoàn kết, tỉnh táo trong hành động vì sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội...