Đó là thông tin được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết khi trao đổi với báo chí bên lề họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: V.H |
Dự kiến kỳ họp này sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018.
|
Quốc hội kỳ này sẽ tiến hành đổi mới hoạt động chất vấn, đặt câu hỏi trong 1 phút và trả lời trong 3 phút, với những vấn đề khó, vấn đề dài có đủ thời gian không, thưa ông?Quốc hội luôn luôn tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn. Việc trả lời chất vấn này đã được làm thí điểm tại phiên họp thứ 23 về việc hỏi và trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian hỏi 1 phút đòi hỏi các đại biểu phải chắt lọc nội dụng, làm rõ câu hỏi. Người trả lời có 3 phút cũng buộc phải trả lời ngắn gọn, không thể “câu giờ”.
Thực tế, vừa qua, tại phiên họp thí điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đưa ra cơ chế này thì số người được hỏi nhiều hơn. Trong một buổi có khoảng 30 người được hỏi, gần ngang với số người được hỏi trong một buổi chất vấn trên Quốc hội.
Thứ hai, việc hỏi ngắn tránh được trùng lặp. Bên cạnh đó, việc trả lời ngắn cũng yêu cầu người trả lời, các Bộ trưởng phải nghiên cứu kỹ vấn đề được hỏi trước khi trả lời. Thứ ba là các Bộ trưởng không thể trả lời dài.
Vừa qua, việc thí điểm chất vấn rất tốt, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đổi mới công tác chất vấn ở kỳ họp này. Tuy nhiên, để các Bộ trưởng quen với cách đổi mới này, sẽ có 3 người hỏi một lần, sau đó Bộ trưởng trả lời. Còn như ở Thường vụ Quốc hội thì hỏi phải trả lời ngay.
Một vấn đề khác đang được dư luận quan tâm là trong thời gian qua, có một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bị buộc thôi, xin thôi làm ĐBQH. Xin ông cho biết, hiện nay Quốc hội còn lại bao nhiêu ĐBQH so với số lượng đại biểu được bầu ra ban đầu?
Khi tiến hành bầu đầu Quốc hội khóa XIV, số đại biểu trúng cử là 496. Sau đó tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV khi xem xét tư cách đại biểu thấy có 2 đại biểu không đủ tư cách. Như vậy còn 494 đại biểu.
Vừa qua, do việc vi phạm, sai phạm, có 2 đại biểu đương nhiên buộc thôi mất quyền đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, có 3 trường hơp được Quốc hội cho thôi làm ĐBQH, lý do là có đơn xin thôi do sức khỏe, chuyển công tác… Ngoài ra, còn 2 trường hợp đại biểu qua đời. Như vậy, đã giảm đi 9 ĐBQH so với ban đầu. Hiện, chúng ta còn 487 ĐBQH.
Việc khuyết 9 ĐBQH có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Quốc hội không, thưa ông? Theo quy định, việc bầu cử bổ sung đại biểu trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn hai năm và thiếu trên 10% tổng số ĐBQH đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ. Đối chiếu với tình hình hiện nay thì chưa tới 10% số lượng ĐBQH.
Đối với việc hoạt động tại địa phương của các ĐBQH, những trường hợp này không nhiều nên không ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, ĐBQH không chỉ làm việc tại nơi được bầu mà hoạt động toàn quốc, theo phân công của đoàn ĐBQH khi tiếp xúc cử tri. Thậm chí ĐBQH ở tỉnh này có thể sang tỉnh khác tiếp xúc cử tri. Cơ chế hiện nay rất rộng.
Xin cảm ơn ông! Ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ đại biểu đối với ông Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) và bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) do bị kỷ luật và có đơn xin thôi nhiệm vụ.
Ông Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH để nhận công tác làm Đại sứ tại Liên bang Nga.
Hai ông Đinh La Thăng (đoàn Thanh Hoá) và Nguyễn Quốc Khánh (đoàn Quảng Nam) bị mất quyền ĐBQH sau khi toà phúc thẩm tuyên án tù.
Ngoài ra, có hai đại biểu đã qua đời là ông Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) và Hoà thượng Thích Chơn Thiện (đoàn Thừa Thiên Huế). Như vậy, Quốc hội khoá XIV hiện còn 487 đại biểu. |