Đây là hội nghị thứ hai sau Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương khu vực miền Nam, diễn ngày 23/10 vừa qua. Hội nghị cũng nằm trong chuỗi 3 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đến đầu tháng 11/2020.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực hiện Kế hoạch số 21 của Ban Dân vận Trung ương về “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhằm tập hợp trí tuệ của đoàn viên, người lao động cả nước góp ý vào văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 64 yêu cầu các cấp Công đoàn tổ chức quán triệt, giới thiệu sâu rộng nội dung các dự thảo văn kiện.
Trong Kế hoạch, Tổng Liên đoàn đề nghị các tổ chức Công đoàn trực thuộc và cơ sở vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia đóng góp ý kiến; tổng hợp, phản ánh đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời các nguyện vọng tâm huyết, xác đáng của người lao động.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã gợi ý, định hướng để tổ chức Công đoàn tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, góp ý đúng và trúng những nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức Công đoàn, công nhân, viên chức lao động được nêu trong dự thảo văn kiện.
Mười hai ý kiến trực tiếp trình bày trên tổng số 37 tham luận gửi đến Hội nghị của đại diện các tổ chức Công đoàn ngành Trung ương và tương đương khu vực miền Bắc đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nội dung của dự thảo văn kiện. Các ý kiến cơ bản thống nhất cho rằng, nội dung dự thảo văn kiện đã phản ánh được khát vọng chung của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và đưa ra những đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, sâu sắc về kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để từ đó vạch ra những biện pháp khắc phục.
Các ý kiến, tham luận đóng góp cũng đã bổ sung, kiến nghị một số nội dung liên quan trực tiếp đến chủ đề của Hội nghị là “Đổi mới tổ chức và hoạt động, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam” và một số vấn đề khác liên quan đến xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn.
Các đại biểu chỉ ra những thời cơ, thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, như sự ra đời của tổ chức người lao động ở cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn, qua đó đề xuất với Trung ương và Ban soạn thảo văn kiện Đại hội XIII các giải pháp, chỉnh sửa nội dung dự thảo văn kiện nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vị trí, vai trò tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị.