Cùng dự có Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga; đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã quán triệt nội dung Chỉ thị -CT/TW ngày 19/9/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc phổ biến các nội dung quan trọng trong Thông báo Kết luận số 158 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa IX về Hội quần chúng trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang chịu tác động toàn diện, sâu rộng và lâu dài của đại dịch COVID-19. Với những chính sách, biện pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân, Việt Nam đã có thành công bước đầu trong kiểm soát dịch, duy trì ổn định kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo triển khai ngoại giao COVID-19, thúc đẩy luật pháp quốc tế, kịp thời hỗ trợ bạn bè, đối tác phòng, chống dịch, thể hiện hình ảnh Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, chế độ ưu việt của Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại nhân dân. Việc quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng và đề ra kế hoạch, biện pháp thiết thực để triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Phan Anh Sơn, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã chủ động, linh hoạt chuyển hướng, đặt trọng tâm vào việc duy trì liên hệ, tiến hành hoạt động đối ngoại nhân dân bằng phương thức trực tuyến và hỗ trợ các đối tác phòng, chống COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại, 20 tổ chức thành viên ở Trung ương và một số tổ chức đã ủng hộ 731.000 khẩu trang, 500 bộ quần áo bảo hộ y tế; 4.500 chai nước rửa tay khô sát khuẩn, hơn 3,28 tỷ đồng tiền mặt và các hiện vật (tổng giá trị gần 5,54 tỷ đồng) tặng nhân dân các nước bạn phòng, chống dịch. Các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương cũng tích cực triển khai hoạt động trợ giúp bạn bè quốc tế.
44 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị y tế, tiền mặt, tập huấn phương pháp, kỹ năng phòng tránh dịch với tổng giá trị lên tới hơn 95 tỷ đồng. 77 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Trung tâm Dữ liệu phi chính phủ nước ngoài đã có thư chung gửi lãnh đạo Việt Nam, trong đó đánh giá cao chủ trương của Việt Nam, ủng hộ các biện pháp của Chính phủ Việt Nam và cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tạm hoãn 13 hoạt động, hủy 16 hoạt động đối ngoại, các sự kiện, chương trình có đông người tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ có 6 hoạt động liên quan đến đoàn vào đoàn ra, chiếm chưa đến 10% so với cùng kỳ năm ngoái (62 đoàn gồm 20 đoàn ra và 42 đoàn vào). Hoạt động đối ngoại của các tổ chức thành viên cũng giảm đáng kể là 25%; đối ngoại tại chỗ giảm gần 50% (18/35 hoạt động).
Do tác động của dịch COVID-19, nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam không thể triển khai hoạt động/dự án theo kế hoạch, giải ngân chậm, có khó khăn trong việc vận động nguồn vốn. Một số tổ chức phải chấm dứt hoạt động tại Việt Nam hoặc tạm thời đóng cửa Văn phòng. Dự báo nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài sẽ giảm đáng kể so với các năm trước.
Trong 6 tháng cuối năm, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các thành viên quyết tâm tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đối ngoại, căn cứ tình hình thực tế; tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 12/2012/NĐ-CP và tăng cường hỗ trợ, xúc tiến vận động, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hướng dẫn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương, hội hữu nghị Việt Nam với các nước chuẩn bị tổ chức Đại hội nhiệm kỳ; hoàn thiện các thủ tục và tổ chức Đại hội thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Ma rốc.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị cũng tăng cường công tác nghiên cứu về tác động của dịch COVID-19 tới Việt Nam và công tác đối ngoại nhân dân, chính sách viện trợ của các nước châu Âu, Mỹ và tình hình Biển Đông; hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa Cung Hữu nghị Việt - Trung vào vận hành, khai thác; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; tổ chức Đại hội thi đua yêu nước và kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị vào tháng 11/2020.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Mặc dù tình hình dịch COVID-19 khiến công tác triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan đến hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chưa kịp thời, nhưng Liên hiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của các văn bản này, cố gắng tổ chức quán triệt tới các đơn vị trực thuộc vào thời điểm phù hợp nhất.
Nhấn mạnh lĩnh vực quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị quan tâm tới ba mục tiêu phát triển sắp tới của đất nước, đang được thảo luận cho ý kiến. Theo đó, năm 2025 Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao, khoảng 5 nghìn USD/người/năm. Năm 2030, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, ở nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Năm 2045, Việt Nam là nước phát triển có thu nhập trung bình cao.
Cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức lớn, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định hoạt động đối ngoại trong đó có đối ngoại nhân dân sẽ đóng góp quan trọng trong việc đạt được ba mục tiêu trên.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, với khoảng 3 nghìn thành viên trong ban chấp hành các cấp hội từ Trung ương tới địa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang tập trung sức mạnh to lớn trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, là bộ phận quan trọng đóng góp cho sự phát triển những mục tiêu chung của đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số -CT/TW ngày 19/9/2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết Đại hội khóa VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Dịp này, Hội nghị cũng nghe thông báo về thay đổi, bổ sung nhân sự của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên.