Đơn khiếu nại tăng 4,8%, chủ yếu liên quan lĩnh vực đất đai

Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến theo chiều hướng gia tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017.

Chiều 5/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bế mạc phiên họp mở rộng sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công; Đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Trước khi bế mạc, tại phiên làm việc chiều 5/9, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến theo chiều hướng gia tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. So với năm 2017, số đơn khiếu nại tăng 4,8% và số vụ việc giảm 0,6%. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số (63,2%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; ngoài ra còn có khiếu nại về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…

Về tố cáo, so với năm 2017 tăng 33,6% số đơn và tăng 14,7% số vụ việc. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước…

Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng, trong đó một số đoàn đông người, công dân khiếu nại dài ngày mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 25.043/31.954 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 78,4%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 211,9 tỷ đồng, 97 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.801 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 461 người, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Đề cao việc tiếp công dân

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2018 có chiều hướng gia tăng trên tất cả các phương diện cả về số lượng công dân đến cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; số lượng đơn khiếu nại, tố cáo; số lượt đoàn đông người lên các cơ quan Trung ương...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2018 nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước, thiếu số liệu khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, số vụ việc từ những năm trước tồn đọng lại; phân tích cụ thể hơn số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người trong thời gian qua để từ đó có sự đánh giá chính xác, làm cơ sở cho việc giải quyết trong thời gian tới.

Về công tác tiếp công dân, theo Báo cáo của Chính phủ, so với năm 2017, các địa phương tăng 9,3% lượt người; 7,6% số vụ việc; trong khi đó các bộ, ngành tăng 39,9% lượt người. Số lượt đoàn đông người ở địa phương giảm 3,1% nhưng ở bộ, ngành tăng 27,3%.

Các đại biểu chỉ rõ, tình hình tiếp công dân có sự gia tăng đột biến về lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người ở các bộ, ngành. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo giải trình về lý do dẫn đến tình hình này, liệu có phải do chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương không cao dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân nên khiếu nại, tố cáo vượt cấp, trực tiếp lên các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đánh giá một số nhận định trong Báo cáo về công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể hóa được tình hình thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Tiếp công dân ở từng bộ, ngành, địa phương. Báo cáo chưa đánh giá sâu sắc về chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua giám sát tại các địa phương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền chỉ rõ, việc thanh tra về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp, các ngành được tổ chức thường xuyên nhưng việc xử lý cán bộ sai phạm hầu hết chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

Dẫn chứng một vài địa phương, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, công tác thanh tra chỉ nhằm tăng cường trách nhiệm, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ mà không xử lý kỷ luật. Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ chứ không thể “xuê xoa” như hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm rõ chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo ở cấp cơ sở, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, giải quyết lần đầu, giải quyết lần thứ 2 có hủy, sửa nhiều hay y án… để đánh giá đội ngũ cán bộ thiếu, yếu chỗ nào, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.

Một số đại biểu nhấn mạnh, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền lưu ý, Báo cáo của Chính phủ cần phải thể hiện rõ trách nhiệm để lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhận thức tiếp công dân là việc rất quan trọng và đề cao công tác này. “Làm gì thì làm cũng phải dành thời gian tiếp công dân. Cả những cuộc họp trong ngày đó cũng phải “đình lại”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt, phù hợp với điều kiện, khiếu nại, tố cáo của bộ, ngành, địa phương, tránh dàn trải. Đặc biệt, chú trong việc phân loại đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh còn tồn đọng, bảo đảm giải quyết kịp thời, không để quá hạn định, tập trung xử lý dứt điểm tình hình khiếu nại, tố cáo diễn ra gay gắt, phức tạp thời gian qua.

Phan Phương (TTXVN)
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập một số đơn vị hành chính tại Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập một số đơn vị hành chính tại Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu

Chiều 5/4, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phước Cát, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN