Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để nghiên cứu, hiểu sâu hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người chiến sỹ Cộng sản kiên trung, đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nghèo ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (nay là phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Ngay từ khi còn là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tích cực tham gia đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Trưởng thành từ những phong trào đấu tranh yêu nước , đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người chiến sỹ Cộng sản. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tham gia hoạt động trong phong trào công nhân. Đồng chí đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với công nhân để tuyên truyền, vận động công nhân xây dựng cơ sở Cách mạng. Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm cải thiện điều kiện lao động.
Tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng và được phân công phụ trách công nhân Nhà máy Chai ở Hải Phòng. Do hoạt động cách mạng, đồng chí bị địch theo dõi. Tháng 6/1929, đồng chí bị địch bắt. Ngày 29/1/1931, tại Kiến An, đồng chí đã bị xử mức án khổ sai chung thân và đi đày biệt xứ ở nhà lao Côn Đảo. Tháng 9/1936, sau khi được thả tự do, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1940, đồng chí được điều động về làm Bí thư khu B gồm: Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 11/1940, đồng chí lại bị địch bắt tại Hải Phòng rồi đưa về giam ở Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Trước nhiều cực hình tra tấn của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường. Đồng chí bị kết án tử hình và bị xử bắn vào rạng sáng 1/9/1941, tại Hải Phòng.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung đề cập vào những nội dung như: Nhân tố truyền thống quê hương, gia đình, dòng học, việc hình thành nhân cách và lý tưởng cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện; tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên, những hoạt động yêu nước, cống hiến tiêu biểu của người Cộng sản kiên trung; tấm gương người Cộng sản mẫu mực, suốt đời phấn đấu hi sinh vì độc lập của Tổ quốc của đồng chí Lương Khánh Thiện. Trong đó có các tham luận: Đồng chí Lương Khánh Thiện với giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tham luận" Truyền thống cách mạng của quê hương Hà Nam với sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện do Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam Trần Đức Thuần trình bày; "Những hoạt động của Lương Khánh Thiện trong phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng ở Hải Phòng" của Thạc sỹ Trần Thị Hợi, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tham luận "Đảng bộ và nhân dân Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đồng chí Lương Khánh Thiện" của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; "Tuổi trẻ Hà Nam học tập và noi theo tấm gương đồng chí Lương Khánh Thiện" của Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam Trần Ngọc Nam…