Tham dự hội thảo có: Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia đình đồng chí Tố Hữu cùng đông đảo đại biểu, nhà khoa học.
Tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đồng chí Tố Hữu là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò gần gũi và ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều cương vị, lĩnh vực công tác, đồng chí Tố Hữu đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Tố Hữu cũng là “con chim đầu đàn” của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã có công góp phần khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng, truyền cảm hứng lan tỏa nhiệt tình cách mạng, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
40 tham luận gửi tới hội thảo với nhiều thông tin tư liệu sống động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh, đồng chí Tố Hữu từ rất sớm đã bộc lộ tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến. Năm 1935, đồng chí tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế; năm 1937 trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 18 tuổi, đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền. Bị địch bắt và bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí Tố Hữu với tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Sau khi mưu trí vượt ngục trở về với cách mạng năm 1942, đồng chí bí mật về Thanh Hóa hoạt động, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa năm 1944.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí góp phần củng cố Ban lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ, tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa ở các tỉnh Trung Kỳ, là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, tổ chức lãnh đạo quẩn chúng nhân dân giành chính quyền thắng lợi trong tổng khởi nghĩa ở Huế.
Trong thời kỳ mới của cách mạng, đồng chí Tố Hữu được Đảng, Nhà nước trao nhiều trọng trách. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã nỗ lực cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và tập thể Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện đồng thời chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kể từ sau Đại hội VI của Đảng, đồng chí tiếp tục dồn tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, tham gia nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn và lý luận, nhất là về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích, đánh giá đồng chí Tố Hữu trên phương diện là một nhà thơ cách mạng, “một viên ngọc quý” của nền văn hóa Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại cho đời những tập thơ nổi tiếng như: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đàn, Ta với ta…
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho rằng, quê hương Thừa Thiên - Huế là nơi khởi đầu những hoạt động yêu nước của đồng chí Tố Hữu, nơi để lại dấu ấn to lớn của đồng chí đối với sự phát triển của phong trào cách mạng. Đồng chí luôn dành những tình cảm sâu nặng, thân thương đối với quê hương và con người xứ Huế. Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên - Huế mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương của đồng chí Tố Hữu, xây dựng, phát triển quê hương Thừa Thiên - Huế ngày càng giàu đẹp.