Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, lĩnh vực Bộ, ngành Tư pháp giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp báo cáo về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng thời gian qua, nhất là sau Đại hội XII của Đảng trên các lĩnh vực của bộ, ngành tư pháp. Trên cơ sở đó, tìm hiểu hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, xem xét những kết quả làm được, vấn đề gì khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, quan tâm hơn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, với vai trò là cơ quan giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch tổng thể và tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Bộ Tư pháp cũng tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua các đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã thẩm định 778 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 87 đề nghị xây dựng văn bản. Mặc dù số lượng văn bản thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp là rất lớn, nhiều văn bản có nội dung phức tạp nhưng Bộ đã bảo đảm tiến độ, chất lượng thẩm định nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng được tăng cường, bảo đảm thực chất, hiệu quả; đã kịp thời yêu cầu cơ quan ban hành văn bản xử lý, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý các văn bản trái pháp luật.
Đáng chú ý, đối với công tác thi hành án dân sự, số lượng án thi hành xong về việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước; tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ rõ, công tác tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, tính ổn định chưa cao.Việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật đang là thách thức lớn. Số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện còn nhiều. Cơ chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp còn thiếu hiệu quả…
Từ thực tế này, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; chỉ đạo để tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trình, thông qua dự án luật, pháp lệnh, đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tư pháp trên địa bàn.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành trong năm 2019 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm chỉ đạo các cấp ủy, Ban cán sự đảng các cấp nâng cao nhận thức, tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.