Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU - 137). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Xin ông cho biết thêm về chủ đề lớn tại IPU-137 lần này, cũng như sự tham gia tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta trong các phiên họp, hoạt động đối ngoại nghị viện song phương quan trọng? Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức Đại hội đồng lần thứ 137 (IPU-137) có sự tham dự của hơn 160 nghị viện thành viên, số đại biểu chính thức lên tới 2.400 người, gần 100 Chủ tịch Quốc hội và 40 Phó Chủ tịch Quốc hội đã tham dự. Đại hội đồng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, nổi lên là sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa và xung đột sắc tộc, tôn giáo.
Các nhà lãnh đạo của IPU đã quyết định lựa chọn chủ đề của Đại hội đồng là: “Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa thông qua đối thoại hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo”. Chủ đề này gắn liền với thời đại để xử lý những vấn đề đưa ra thảo luận và có nghị quyết để các nghị viện thành viên trên thế giới tham gia tích cực vào xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã tham gia tất cả các hoạt động của IPU-137. Ngay khi khai mạc và ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng, được nhiều Chủ tịch Quốc hội và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước đánh giá cao, đã đề xuất, khuyến nghị những giải pháp rất sát hợp tình hình thế giới.
Năm khuyến nghị được Chủ tịch Quốc hội đưa ra gồm: Nhóm thứ nhất, chúng ta khuyến nghị các nghị viện trên thế giới tập trung tạo khuôn khổ pháp lý về dân tộc và tôn giáo. Qua đó, với vai trò là cơ quan lập pháp, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến khuôn khổ pháp lý này, tạo ra khuôn khổ pháp lý hợp pháp cho mọi người dân, mọi thành phần. Nhưng mong muốn cao nhất là tạo ra sự đoàn kết để xây dựng một thế giới hợp tác hòa bình. Khuyến nghị thứ hai, các nghị viện cần xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở để giám sát hiệu quả. Nhóm thứ ba là quan tâm đến công tác truyền thông, truyền bá tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác. Điều này rất quan trọng để các dân tộc, tôn giáo gần nhau hơn. Nhóm thứ tư là tăng cường hợp tác song phương và đa phương để học hỏi lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề tôn giáo, văn hóa, dân tộc. Nhóm khuyến nghị cuối cùng đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên tăng cường sáng kiến và hành động liên quan đến vấn đề tôn giáo, văn hóa. Qua gặp gỡ, trao đổi, nhiều Trưởng đoàn các nước cho rằng có thể nghiên cứu, áp dụng các khuyến nghị của Quốc hội Việt Nam vào nước mình.
Các hoạt động khác chúng ta cũng phân công các thành viên tham gia ở tất cả các Ủy ban và Nhóm nữ nghị sỹ và Diễn đàn nghị sỹ trẻ. So với các lần trước thì lần này, Đoàn Việt Nam tham dự IPU với những hoạt động đặc biệt hơn như: Chủ trì cùng với một quốc gia khác tổ chức chuyên đề ở Ủy ban Phát triển bền vững, tài chính và thương mại, về đề tài khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo. Đây là lần đầu tiên, chúng ta cử đại diện có báo cáo đề dẫn tại Ủy ban để thảo luận. Tôi nhận được báo cáo là Ủy ban đã thảo luận rất sôi nổi, chúng ta đã có tiếng nói lớn ở Đại hội đồng.
Các nhà lãnh đạo IPU và bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua? Như chúng ta đã biết, tháng Năm vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức Hội nghị chuyên đề của các nhà lập pháp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mời nhiều tổ chức quốc tế tham gia với chủ đề hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp. Có thể nói đây là hội nghị rất sáng tạo vì chúng ta mời cả đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức tài chính quốc tế.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu Quốc hội và đại biểu quốc tế đến từ 23 quốc gia. Ngoài phương thức tổ chức thông thường, chúng ta đã tổ chức đi thực địa đến vùng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu là huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, chúng ta đã quy hoạch và trồng 50 cây bàng vuông, coi như đây là một gia đình của các nghị viện với thông điệp trồng cây xanh, bảo vệ môi trường biển và hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Năm nay, các nội dung khác tại IPU-137, chúng ta tham gia rất tích cực, nhất là Nhóm nữ nghị sỹ và Diễn đàn Nghị sỹ trẻ. Như Chủ tịch IPU đã đánh giá, chúng ta luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại IPU, có đóng góp thực chất cho Đại hội đồng và những đóng góp này có tác động lan tỏa. Chủ tịch IPU đánh giá cao sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau khi tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội và nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ của IPU diễn ra tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran, Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc. Các bạn đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cho rằng vị thế Việt Nam càng ngày càng được nâng cao. Các bạn cũng đề xuất tăng cường hợp tác nghị viện, có quan hệ thường xuyên, trao đổi thường xuyên Đoàn cấp cao… Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng gửi thư mời các nước thành viên trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 2018, lãnh đạo nghị viện các nước đã vui vẻ nhận lời.
Tóm lại, hoạt động của IPU - 137 chúng ta tham gia có nhiều nội dung nổi trội hơn so với các lần trước. Mong muốn của IPU cũng như tinh thần tham gia của Quốc hội nước ta là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, đồng thời những đóng góp của chúng ta là thực chất và có tác động lan tỏa.
Xin ông cho biết kết quả chuyến thăm chính thức lần này đến Cộng hòa Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân? Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, bạn cho biết rất ấn tượng với thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng IPU-137, trong đó nhấn mạnh rằng chỉ có sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể mang lại sự kết nối giữa các tôn giáo. Vậy thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao được 25 năm nhưng đã có mối quan hệ lâu dài từ thời Liên bang Xô Viết. Bạn cho biết mong đợi cuộc thăm chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta, coi chuyến thăm lần này mang tính lịch sử trong quan hệ song phương, thể hiện sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương giữa hai nước và hai Quốc hội.
Tại các buổi hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, các bạn Kazakhstan đều đánh giá rất cao mối quan hệ giữa hai nước, kể cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Bạn cũng cho rằng, quan hệ hợp tác về kinh tế giữa hai nước đã có những tiến triển tốt đẹp, đặc biệt là trước khi ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), kim ngạch hai chiều chỉ dưới 100 triệu USD. Sau khi ký kết Hiệp định, năm 2016, con số này tăng rất nhanh, lên tới 370 triệu USD, từ đầu năm đến nay là 375 triệu USD và ước tính trong năm nay sẽ lên tới 450 triệu USD.
Tuy nhiên, hai bên mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa. Phía bạn gợi ý trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ trao đổi, xuất nhập khẩu các sản phẩm mà hai nước có thế mạnh. Bạn cũng đề nghị hợp tác về giao thông, công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, văn hóa. Bạn đề xuất những triển vọng, tiềm năng khi hoàn thiện xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối cảng lớn, thuận lợi giao thương thương mại, hàng hóa qua cảng đi các nước Đông Nam Á, các nước châu Âu,... Ca ngợi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, quan trọng hơn là xã hội rất ổn định, bạn cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội hai nước, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.
Hoạt động vừa qua của Chủ tịch Quốc hội nước ta với các nhà lãnh đạo Kazakhstan rất thành công. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc diễn ra trong không khí chân thành, cởi mở. Bạn thể hiện sự đón tiếp trọng thị với Đoàn, cử Phó Chủ tịch Hạ viện tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong suốt thời gian làm việc tại Thủ đô Astana. Các nội dung làm việc đã được trao đổi rất thẳng thắn, thực chất, đánh giá mặt được và chưa được, cũng như những gì cần tiếp tục trao đổi để hợp tác. Chuyến thăm Kazakhstan - một nước Trung Á có nền kinh tế lớn nhất khu vực này, diện tích lãnh thổ đứng thứ 9 thế giới, có rất nhiều tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước cũng như giữa hai Quốc hội hai nước trong những năm tới.
Ở nước bạn có hơn 130 dân tộc chung sống, nhưng khi thực hiện được các chính sách hợp lý, hài hòa giữa các dân tộc và tôn giáo, Kazakhstan đã trở thành một đất nước hòa bình hoàn toàn, không xảy ra xung đột nào. Khuyến nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại IPU-137 đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của Đoàn đại biểu Kazakhstan và các nước. Theo đó, thông điệp của chúng ta nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều cơ hội và thách thức với sự phát triển cho từng quốc gia, dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đang đem lại cho các quốc gia, các nền chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là những nền văn hóa, tôn giáo cơ hội đến gần nhau hơn để cùng phát triển... Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới...
Xin trân trọng cảm ơn ông.