Đây được coi là "thời gian vàng" để tỉnh Đồng Nai dồn tổng lực khống chế dịch lan rộng.
Tổng lực ngăn dịch lan rộng
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 14/7, số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh là 520 ca. Nguồn lây chủ yếu xuất phát từ các chợ đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận định, tỉnh đã có lây nhiễm thứ phát ghi nhận đến vòng 2 ở doanh nghiệp và các khu nhà trọ công nhân khiến cho việc kiểm soát nguồn lây khó khăn hơn.
Ông Bạch Thái Bình nhấn mạnh: Nếu không làm "sạch" được từng ấp, từng xã, từng khu nhà trọ, từng doanh nghiệp thì chúng ta bỏ phí thời cơ để kiểm soát dịch. 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội sẽ là “thời gian vàng” để tập trung thực hiện truy vết, quản lý, xét nghiệm tất cả những trường hợp ở trong các nhóm nguy cơ, trong đó nguồn chính là rà soát lại tất cả những người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Đồng Nai sẽ tận dụng từng ngày để thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Đó là truy vết nguồn lây là những người từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương về bằng việc huy động toàn bộ các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; đồng thời huy động lực lượng y tế xã, huyện rà soát, điều tra tất cả những người về từ 2 địa phương trên trong một tháng qua. Những người về dưới 7 ngày sẽ cách ly tại nhà; thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR tất cả mọi người hoặc tùy theo đối tượng.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xử lý các ổ dịch liên quan đến các khu chợ bằng cách huy động lực lượng điều tra, truy vết nhanh. Các doanh nghiệp phải rà soát và xét nghiệm tất cả những người cung ứng dịch vụ và về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang làm trong doanh nghiệp; rà soát các trường hợp liên quan đến các chợ, công ty đã bùng phát dịch để xét nghiệm tầm soát.
Đồng lòng đẩy lùi COVID-19
Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thể hiện sự đồng lòng cùng các cấp chính quyền chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Thương, ngụ phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) là tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Trảng Dài. Khi nghe thông tin có tiểu thương trên địa bàn thành phố Biên Hòa mắc COVID-19 do liên quan đến một số chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thương đã chủ động ngừng bán hàng. “Sức khỏe của mình và sự an toàn của cả cộng đồng là quan trọng nhất. Nếu ai cũng cố tình buôn bán trong thời điểm này thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn, các cấp chính quyền sẽ khó kiểm soát được”, bà Nguyễn Thị Thương chia sẻ.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ðồng Nai, trước tình hình dịch COVID-19 đã xâm nhập vào một số doanh nghiệp, những ngày gần đây có rất nhiều công ty liên hệ đăng ký bố trí nơi tạm lưu trú cho công nhân tại công ty, thậm chí đã có những công ty quyết định cho toàn bộ công nhân trong công ty nghỉ việc tạm thời để thực hiện phòng, chống dịch.
Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouchen Việt Nam có gần 17.000 công nhân. Ngày 11/7, Công ty phát hiện có công nhân dương tính với SARS-CoV-2 nên đã khẩn trương xét nghiệm toàn bộ công nhân đồng thời cho công nhân tạm nghỉ việc 14 ngày.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ðồng Nai cho biết đến ngày 14/7, toàn tỉnh đã có khoảng 50 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký thực hiện phương án bố trí nơi tạm lưu trú cho công nhân. Ðể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, khi tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý đã cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục và yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng phương án và sẽ tiến hành hậu kiểm.
Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã có xuất hiện các trường hợp F0. Vì vậy, những doanh nghiệp này đã chủ động tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động, phối hợp với lực lượng chức năng truy vết các trường hợp liên quan, xử lý các ca mắc để vừa đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc, vừa ổn định sản xuất.